Chính phủ giao Bộ KH&CN xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 (Ảnh minh họa: Internet)

Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ KH&CN xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” với mục tiêu hướng tới là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tại Nghị quyết 52, để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia CMCN 4.0; ban hành, triển khai Đề án chuyển đổi số quốc gia và các đề án, chương trình, kế hoạch tham gia CMCN 4.0; chỉ đạo xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, mô hình, kinh doanh mới. Ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết.

Chưa đầy 1 tuần sau khi Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị được ban hành, vào ngày 3/10/2019, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Bộ TT&TT và một số bộ, ngành đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 Summit 2019) với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0” nhằm công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc CMCN 4.0; tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc cách mạng tại Việt Nam.

Trong phát biểu khai mạc phiên toàn thể cấp cao Industry 4.0 Summit 2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là một Nghị quyết toàn diện tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia CMCN 4.0, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao.

Nghị quyết đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng khi coi chủ động tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời nhận thức đầy đủ đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phát trong phát triển kinh tế xã hội.

“Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vươn lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong CMCN 4.0 lại có ý nghĩa quyết định”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Cũng tại phiên toàn thể cấp cao Industry 4.0 Summit 2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0” nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã được triển khai. “Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt. Chắc chắn rằng ngoài những đề án, dự án cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này”, Phó Thủ tướng cho biết.