{keywords}
 
Kế hoạch soán ngôi Samsung đổ bể

Đã hơn 1 năm kể từ ngày Mỹ thông báo những hạn chế nghiêm ngặt đầu tiên lên Huawei và làm ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch hãng này soán ngôi Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới. Trên thị trường toàn cầu, theo IDC, doanh số smartphone Huawei quý I/2020 là 49 triệu chiếc, thấp nhất trong 8 quý gần đây và giảm từ đỉnh cao 66 triệu của hai quý trước đó. Huawei chiếm khoảng 1/5 thị trường smartphone sử dụng hệ điều hành Android.

Rõ ràng, Huawei đang đánh mất tính cạnh tranh tại nhiều thị trường, khi mà doanh số thường rơi vào các mẫu máy cũ và giá rẻ hơn, có khả năng sử dụng Google Mobile Services thay vì thiết bị mới.

Thị trường quê nhà đang đóng góp lớn cho doanh số smartphone của Huawei. Nếu như nửa sau năm 2018, lượng điện thoại xuất khẩu của Huawei chiếm hơn một nửa sản lượng, trong quý vừa qua con số này đã giảm xuống còn 42%. Các mẫu smartphone 5G đắt tiền bán tại Trung Quốc đẩy giá bán smartphone trung bình của Huawei lên cao hơn so với thời gian trước.

Mặc dù Huawei là thương hiệu smartphone lớn thứ hai thế giới, nhưng thiết bị của hãng gần như không hiện diện tại các thị trường lớn nhất sau Trung Quốc là Ấn Độ và Mỹ. Anh và châu Âu mới là thị trường trọng điểm của Huawei. Châu Âu đang chiếm 1/4 thị trường smartphone Android cao cấp giá trên 600 USD trước thuế. Châu Âu cũng là nơi Huawei giành được nhiều thành tựu trong 2 năm trước khi dính lệnh cấm của Mỹ, khi có thời điểm thị phần của công ty này lên tới gần 30%.

Huawei hiểu rằng để hồi phục doanh số trên thị trường nước ngoài, hãng cần phải được truy cập Google trở lại hoặc hệ điều hành tự phát triển đủ hấp dẫn. Chính quyền Mỹ chắc chắn không cho phép điều thứ nhất xảy ra, còn điều thứ hai hãng sẽ phải mất nhiều năm. Do đó, Samsung, Apple cùng nhiều công ty smartphone đồng hương Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để đoạt lại thị phần từ tay Huawei.

Năm 2019, Huawei xuất xưởng 240 triệu smartphone, đứng vững ở vị trí thứ 2. Trước đây, công ty muốn đạt gần cột mốc 300 triệu máy để tiến gần hơn với Samsung. Song Huawei cảnh báo năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ giảm doanh số.

Nguy cơ trên thị trường thiết bị viễn thông

Quyết định loại bỏ Huawei khỏi mạng 5G của Anh đã giáng một đòn nặng nề vào tham vọng toàn cầu hóa của tập đoàn và hy vọng dẫn đầu công nghệ không dây tiếp theo.

Mặc dù vấp phải các lệnh cấm của Mỹ trong vòng 2 năm vừa qua, Huawei vẫn phát triển thành công trong lĩnh vực 5G, giành được hợp đồng với nhiều nhà mạng khác nhau, trong đó phần lớn ở châu Âu.

Tuy nhiên, sự thay đổi ở Anh và bối cảnh gia tăng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ là một mất mát lớn với Huawei. Chuỗi cung ứng của tập đoàn bị đảo lộn do lệnh cấm mới nhất của Mỹ, nhắc nhở người dùng những quan ngại về bảo mật khi sử dụng thiết bị của Huawei.

Theo nghiên cứu viên Carisa Nietsche của Trung tâm An ninh mới, “quyết định của Anh sẽ tạo nên một làn sóng giữa các nước châu Âu khác, đánh giá lại việc có nên cho phép thiết bị của Huawei tham gia vào hệ thống mạng 5G không". Bà Carisa cho biết từ lâu, Anh là nước dẫn đầu xu hướng ở châu Âu nhờ khả năng đánh giá rủi ro. Hiện tại, Anh đã cấm Huawei, “các nước châu Âu khác có thể đi theo quyết định này, trong đó có Pháp".

Ở Đức, 90% mạng lưới của Deutsche Telekom dựa vào thiết bị của Huawei. Vài tháng gần đây, hãng viễn thôngnày đã tăng cường tranh luận về vai trò của tập đoàn Trung Quốc. Đây có thể là dấu hiệu Đức sẽ là nước tiếp theo ra quyết định sau Anh.

Washington có thể sẽ tận dụng xu hướng hiện tại của các nước. Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ Robert O’Brien đã đến Paris vào thứ Hai cho buổi tọa đàm 3 ngày với cố vấn của Pháp, Đức, Anh và Italy. Vấn đề về việc xây dựng mạng 5G cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Huawei nói lệnh cấm ở Anh là điều đáng thất vọng khi nước này chỉ dựa vào lệnh cấm của Mỹ thay vì lí do an ninh. Phát ngôn viên Evita Cao khẳng định: “Huawei sẽ tiếp tục đứng vững mặc cho những thử thách trước mắt”.

Đầu năm nay, Huawei tiết lộ đã kí kết được 91 hợp đồng thương mại 5G, trong đó hơn một nửa (47 hợp đồng) ở châu Âu, 27 hợp đồng ở châu Á và 17 hợp đồng ở các nước khác. Tập đoàn từ chối cập nhật số liệu mới nhất.

Sắc lệnh của Mỹ đã làm Huawei tan vỡ tham vọng thống trị thị trường thế giới

Vào tháng 5, Mỹ cấm các công ty toàn cầu sử dụng công nghệ Mỹ bán thiết bị bán dẫn (silicon) cho Huawei. Nước đi ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiếp nhận chipset từ nguồn cung chính của hãng là Tập đoàn sản xuất thiết bị bán dẫn Đài Loan (TSMC). Thiếu những chipset này, Huawei không có khả năng xây dựng trạm 5G gốc.

Mỹ cũng thúc đẩy chiến dịch “Clean Path Initiative” (tạm dịch Phát kiến Hướng đi sạch - PV), yêu cầu các nước và nhà mạng đảm bảo liên lạc giữa Mỹ và ngoại giao Mỹ với các trạm quân sự ở nước ngoài không sử dụng thiết bị của Trung Quốc.

Nhà phân tích Edison Lee của Jefferies nhận định lệnh cấm ở Anh đồng nghĩa với việc Huawei sẽ có thị trường tiêu thụ và doanh thu thấp hơn, ảnh hưởng tới quá trình phát triển thiết bị 5G. Song điều này không có nghĩa mọi nước ở châu Âu đều sẽ làm theo Anh.

Nhiều người lo ngại những lệnh cấm này có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hua Chunying nói: "Chính quyền Anh đã đưa ra một quyết định sai lầm và làm xói mòn nghiêm trọng lợi ích của doanh nghiệp Trung Quốc”. Bà cảnh báo Trung Quốc sẽ xem xét một cách nghiêm túc và toàn diện quyết định này, đồng thời tiến hành mọi hành động cần thiết để đảm bảo quyền lợi của mình.

Chẳng hạn, quan chức Đức lo việc cấm thiết bị của Huawei trong mạng 5G sẽ kéo theo trả đũa của Bắc Kinh nhằm vào các nhà xuất khẩu lớn. Đức xuất khẩu gần 100 tỷ EUR (114 tỷ USD) hàng hóa sang Trung Quốc trong năm 2019, biến đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Đức, sau Mỹ.

Lệnh cấm này cũng khiến Anh phải trả một cái giá khác. Mặc dù nước đi của Anh đã ghi điểm với chính quyền của tổng thống Trump, nhưng lệnh cấm sẽ khiến tốc độ thiết lập mạng lưới 5G của nước này chậm lại, lên tới 3 năm. Bởi vì việc thay thế các linh kiện của Huawei có thể tốn kém hàng tỷ USD.

Điều này cũng tương tự với các nước có ý định làm theo Anh, khiến các nhà mạng lưỡng lự trong việc triển khai sớm 5G. Bởi vì, việc chọn thiết bị từ các nhà sản xuất như Huawei, Nokia, Ericsson… là một trong các quyết định kinh doanh quan trọng nhất của bất kỳ nhà mạng nào.

“Quyết định cấm Huawei sẽ làm giảm động lực triển khai mạng 5G của các nhà mạng”, ông Lee nói. “Khi họ bị buộc phải thay thế nhà cung cấp mà mình đã chọn, đồng thời gỡ bỏ toàn bộ thiết bị đã được sử dụng mà không gặp vấn đề gì trong vòng 5 năm trở lại đây. Việc này sẽ gây ra xáo trộn lớn trong kế hoạch phát triển của các nhà mạng".

Tuấn Vũ – Du Lam (Tổng hợp)

(Đón xem kỳ cuối: Dưới áp lực của Mỹ, TikTok nguy cơ thành Huawei tiếp theo?)

Vì sao Mỹ muốn bài trừ Huawei?

Vì sao Mỹ muốn bài trừ Huawei?

Quan hệ Mỹ - Huawei trở nên nghiệt ngã hơn từ năm 2019, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm doanh nghiệp Mỹ kinh doanh với công ty này.