Apple đang hứng “tên bay” từ mọi hướng: Các nhà quản lý và nhà lập pháp đang tăng cường giám sát ở nhiều quốc gia; Chơi trò đuổi bắt trong trí tuệ nhân tạo; Vật lộn để tìm các danh mục sản phẩm mới. Đáng lo ngại hơn, hai mảng miếng đáng tin cậy từ trước đến nay đều trong tình trạng ảm đạm: iPhone và Trung Quốc.

Sau thời gian ngắn hồi sinh trong kỳ nghỉ lễ 2023, doanh số iPhone dự kiến giảm trở lại trong báo cáo kết quả mới nhất. Phố Wall ước tính điều đó sẽ kéo giảm tổng doanh thu khoảng 5%, đánh dấu lần giảm thứ 5 trong 6 quý vừa qua. Doanh số bán hàng cũng giảm, với việc IDC dự báo iPhone giảm 10% trong ba tháng đầu năm này bất chấp thị trường chung tăng 8%.

apple store.jpg
Một quảng cáo khai trương Apple Store tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Tại Trung Quốc, ngoài việc bán hàng chậm chạp, còn có những nỗi lo khác: cơ quan nhà nước cấm sử dụng các thương hiệu nước ngoài như iPhone, trong khi người tiêu dùng chuộng công nghệ nội địa, che phủ triển vọng của Apple. Trong quý IV/2023, doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc đã giảm 13% - mức giảm tồi tệ nhất trong khoảng 4 năm. Các nhà phân tích dự đoán một sự sụt giảm khác trong quý I.

Dù vậy, một tin tức khá lạc quan là người dùng iPhone Trung Quốc không đồng loạt quay lưng. Vấn đề lớn hơn của hãng dường như là làm sao để thu hút những người mới vào hệ sinh thái sản phẩm và tạo động lực để người dùng hiện tại nâng cấp sớm hơn.

Tốc độ “lên đời” iPhone đã chậm lại trong những năm gần đây. Có nhiều lý do như không còn trợ cấp hấp dẫn từ nhà mạng, giá điện thoại tăng, nền kinh tế lung lay và rõ ràng là Apple đang cho người tiêu dùng ít lý do hơn để làm điều đó.

Thực tế là sản phẩm chủ lực của Apple đã không thay đổi nhiều kể từ khi iPhone 12 ra đời năm 2020. Trước đó, không có bất kỳ đột phá lớn nào kể từ năm 2017. Để bù đắp cho điều đó, công ty tập trung toàn bộ vào các dịch vụ và phụ kiện. Dù người dùng iPhone có thể không nâng cấp mỗi năm hoặc hai năm, họ vẫn chi vài trăm USD mỗi năm cho các dịch vụ, ứng dụng và AirPods, thậm chí Apple Watch.

Song, ngay cả chiến lược đó cũng đang đạt đến giới hạn của nó. Tăng trưởng doanh số bán hàng đã dừng lại, và có vẻ như rõ ràng một điều gì đó cần phải thay đổi.

Apple có thể làm gì? Câu trả lời rõ ràng nhất là một danh mục sản phẩm mới đáng kể nhưng không hề dễ dàng. “Táo khuyết” đã dành một thập kỷ và 10 tỷ USD để phát triển một chiếc xe không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Họ đã dành 8 năm và nhiều tỷ USD nữa để tạo ra kính Vision Pro trị giá 3.500 USD và chưa thể trở thành một cỗ máy kiếm tiền lớn trong ngắn hạn.

Dù vậy, theo Bloomberg, còn một cách khác để phục hồi tăng trưởng mà không cần tạo ra một thiết bị hoàn toàn mới. Đó là phát triển một phiên bản iPhone rẻ hơn và thực hiện một cú hích mới vào các thị trường mới nổi.

Kể từ khi iPhone đầu tiên được bán ra, đã có những lời kêu gọi một phiên bản rẻ hơn nhưng Apple không quan tâm. Nỗ lực đầu tiên của là giảm giá các mẫu cũ 100 USD khi ra mắt mẫu mã mới. Sau đó, công ty tung ra iPhone 5C vào năm 2013 nhưng chủ yếu chỉ là “bình mới rượu cũ” và giá rẻ hơn 100 USD.

Apple thử lại lần nữa vào năm 2016 với iPhone SE. Mức giá 399 USD phù hợp nhưng thiết kế nhanh chóng trở nên lỗi thời. SE ngày nay có giá 429 USD, không phải là một món hời nếu xét đến các tính năng còn thiếu sót. Các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Transsion và Oppo đang cung cấp các mẫu có màn hình lớn hơn và nhiều camera với giá chỉ 150 USD mỗi máy.

Năm sau, Apple đang có kế hoạch nâng cấp SE, chuyển sang thiết kế toàn màn hình khiến thiết bị trông giống như một chiếc điện thoại thông minh hiện đại hơn. Nhưng với một con chip nhanh hơn và vật liệu cao cấp, nó có thể có giá trên 400 USD. Nếu Apple thực sự nghiêm túc đối với các thị trường mới nổi, họ nên phát triển một chiếc iPhone có giá 250 USD, hãng tin tài chính Bloomberg nhận định.

Apple có thể giảm chi phí bằng cách sử dụng màn hình LCD thay vì OLED đắt tiền hơn và giảm số lượng camera. Thiết bị này sẽ dùng một con chip cũ hơn nhưng vẫn đủ dùng và có lẽ là vỏ nhựa. Thêm vào đó, thiết bị chỉ nên bán ở các nền kinh tế mới nổi.

Điều này sẽ đòi hỏi một sự thay đổi trong suy nghĩ. Apple sẽ phải quên đi tỷ suất lợi nhuận được ca ngợi của mình và chỉ đơn giản theo đuổi doanh thu cũng như thị phần. Nó có thể giúp xây dựng thương hiệu “táo khuyết” ở các nước đang phát triển và cuối cùng bán thêm thiết bị đắt tiền hơn cho những khách hàng mới. Nhiều người trong số họ sẽ bị cuốn hút vào các dịch vụ và ứng dụng của Apple.

Apple né tránh chiến lược này vì sợ pha loãng thương hiệu cao cấp của mình. Đó là lý do tại sao các cuộc thảo luận về việc bán một chiếc iPhone thực sự rẻ không có tiến triển, theo Bloomberg. "Chúng tôi không cung cấp các sản phẩm tồi", cố nhà sáng lập Steve Jobs đã nói nhiều năm trước và Apple vẫn sống theo triết lý đó.

Song, thị trường đang thay đổi. Các đối thủ đã tiến bộ và rủi ro cũng cao hơn. Apple cũng cho thấy họ cởi mở hơn với những ý tưởng mới: công ty hiện đang bán MacBook Air M1 giá 699 USD thông qua Walmart mà họ không quảng cáo trên các kênh riêng của mình.

Có hàng tỷ người trên thế giới chưa sử dụng các sản phẩm của Apple và điều đó có thể không thay đổi nếu không có lựa chọn hợp lý hơn. Cơ hội lớn nhất có thể là Ấn Độ, nơi Apple đang mở rộng. Không chỉ là thị trường tiêu thụ tiềm năng với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, quốc gia Nam Á còn đang trở thành trung tâm sản xuất cho hãng.

Có những thị trường thú vị khác trong vùng lân cận như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Apple đã có hai cửa hàng ở Thái Lan và sắp bổ sung địa điểm đầu tiên tại Malaysia. Năm ngoái, công ty mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam. Bước đi đó thường là điềm báo cho một cú hích lớn hơn của Apple trong một khu vực.

Không có gì bất ngờ khi CEO Tim Cook đã có chuyến công du Đông Nam Á trong tuần qua - thăm Việt Nam, Singapore và Indonesia - và cam kết tăng đầu tư tại địa phương. Còn những cơ hội khác ngoài châu Á, bao gồm một phần của Đông Âu và Mỹ Latinh. Xa hơn nữa, Apple thậm chí có thể thực hiện một cú hích có ý nghĩa vào châu Phi. Vẫn còn những hạn chế về cơ sở hạ tầng, nhưng Apple rõ ràng đang nghiên cứu triển vọng tại đây.

Điều đó không đồng nghĩa Apple sẽ xóa sổ Trung Quốc, đại lục vẫn là chìa khóa cho hoạt động kinh doanh của họ. Dù vậy, công ty cần ít phụ thuộc hơn vào quốc gia này và việc phát triển một chiếc iPhone cấp thấp có thể giúp ích cho điều đó.

(Theo Bloomberg)