Bên cạnh việc quyết định lựa chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ này cho biết, việc định kỳ tổ chức Ngày chuyển đổi số của Bộ nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi tại Bộ giai đoạn đến năm 2025.

Cùng với đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức Bộ KH&ĐT về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của các đơn vị, hành động đồng bộ ở các cấp lãnh đạo và sự tham gia của toàn thể công chức, viên chức Bộ KH&ĐT bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số tại Bộ.

Bộ KH&ĐT vừa quyết định chọn Ngày chuyển đổi số của Bộ trùng với Ngày chuyển đổi số quốc gia (Ảnh minh họa)

Trước Bộ KH&ĐT, đã có Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ và các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Cao Bằng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hưng Yên, Sóc Trăng, Tiền Giang chọn Ngày chuyển đổi số ngành, địa phương trùng Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Theo thống kê, đến ngày 28/9, đã có gần 40 bộ, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, ở khối bộ, ngành, với vai trò là cơ quan được giao chủ trì tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã sớm có sự phân công triển khai cho các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc. 

Bên cạnh đó, những bộ, ngành đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động dịp 10/10 tới còn Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên môi trường, Ngân hàng Nhà nước, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đơn cử như, với Bộ GD&ĐT, 2 hoạt động được dự kiến tổ chức để hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm nay gồm có tổ chức tuyên dương các giáo viên có sáng tạo trong thiết kế bài giảng e-learning và trao giải thưởng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử; mở hội nghị chuyển đổi số trong ngành giáo dục để đánh giá hiện trạng, nâng cao nhận thức và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong ngành thời gian tới.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đang dự thảo văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trong thời gian từ ngày 1/10 đến 10/10 hoặc trong toàn bộ tháng 10/2022 chủ động thực hiện các chương trình, sáng kiến khuyến mại, ưu đãi, chăm sóc, khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số cũng như thanh toán không dùng tiền mặt.

Đại diện Cục CNTT, Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng, hoàn thiện dịch vụ thanh toán bằng mã VietQR, một số sáng kiến sẽ được đơn vị đẩy mạnh như đưa ứng dụng VietQR lên dịch vụ cổng thanh toán để cho phép chuyển tiền bằng mã QR cho thanh toán dịch vụ công; mở rộng khả năng ứng dụng của mã QR trong các giao dịch rút tiền tại ATM bằng QRCash và tiến tới hoàn thiện mô hình chấp nhận thanh toán bằng QR trong nội địa tương tự mô hình đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ truyền thống...

Cũng nhằm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai các sáng kiến số trong lĩnh vực giao thông vận tải mà người dân, doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng như: giảm mức phí thanh toán trực tuyến các dịch vụ công trực tuyến để nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp; phát động sáng kiến khuyến mại, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng vận tải số trong lĩnh vực mình quản lý... 

Với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022 sẽ tập trung phát động nhiều sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.

Vân Anh