Có rất nhiều thiết bị mà bạn có thể chọn lựa. Bạn có thể sử dụng những chiếc máy ảnh kĩ thuật số nhỏ gọn, một chiếc điện thoại thông minh, hoặc một máy ảnh DSLR chuyên nghiệp. Tuy vậy, yếu tố thiết bị không phải là tất cả, bởi bản chất của nhiếp ảnh và các kĩ thuật chụp không có nhiều sự khác biệt giữa các thiết bị. Chỉ cần ghi nhớ và thực hành một số mẹo nhỏ dưới đây, bạn sẽ cải thiện được đáng kể chất lượng của những bức ảnh chụp tập thể, chẳng hạn như ảnh gia đình, ảnh nhóm bạn...

Đầu tiên, hãy chụp thử

Trước khi mọi người có mặt, hãy chụp thử một vài bức ảnh để kiểm tra điều kiện ánh sáng trong căn phòng hoặc bất kì địa điểm chụp nào chụp. Nếu bạn dùng chế độ thủ công (manual setting), điều này sẽ đặc biệt hữu ích, vì từ đó bạn sẽ lựa chọn được các cài đặt về khẩu độ, ISO, và tốc độ màn trập tối ưu nhất cho những bức hình tiếp theo khi gia đình có mặt đông đủ.

Mặc dù lượng ánh sáng tràn qua các cửa sổ vào phòng có thể sẽ thay đổi sau vài giờ, nhưng cường độ ánh đèn điện thì thường không biến đổi nhiều. Từ đó, bạn sẽ có thể sử dụng một trạng thái cài đặt duy nhất, miễn là bạn vẫn ở trong nhà với điều kiện ánh sáng không thay đổi.

Bạn cũng có thể sử dụng những bức ảnh chụp thử này để sáng tạo những bố cục hợp lý nhất (chúng ta sẽ nói nhiều hơn về vấn đề này ở phần sau của bài viết).

Đừng bắt gia đình bạn tạo dáng quá lâu

"Mọi người hãy ngồi thẳng hàng trên ghế. Cười lên nào!" Những bức ảnh được chụp sau những tiếng hô như vậy thường sẽ mất đi tính tự nhiên và không thể hiện được nhiều điều ngoài những nụ cười gượng gạo. Bạn có lẽ sẽ không tránh khỏi việc phải chụp ít nhất một bức ảnh như vậy trong buổi gặp mặt gia đình, nhưng nó sẽ không giúp phản ánh chân thực không khí của buổi gặp mặt cho lắm.

Hãy sử dụng đôi mắt và góc nhìn của một phóng viên khi bạn bấm nút chụp những bức ảnh họp mặt gia đình. Đây hiển nhiên cũng là một dạng sự kiện, và việc bạn cần làm là phải cố gắng nắm bắt nó. Có một em bé đang cười? Ông của bạn có đang ngủ gật? Hay bố bạn đang "trốn" cả nhà ra ngoài hút thuốc và bị bắt gặp? Những bức ảnh chụp mọi người ở trong tư thế hoặc làm những công việc của riêng họ có thể sẽ khiến bạn và gia đình cảm thấy thú vị và hấp dẫn hơn khi một vài năm sau giở ra xem lại. Còn nếu bạn cứ bắt họ tạo dáng chụp ảnh, những gì bạn nhận lại sẽ chỉ là khoảnh khắc họ đứng ở đó, mỉm cười cứng nhắc.

Nghiên cứu điều kiện ánh sáng nơi bạn chụp ảnh

Nghe có vẻ to tát, nhưng quy tắc đầu tiên trong nhiếp ảnh là bạn phải học cách ghi lại ánh sáng một cách chuẩn xác nhất. Điều kiện ánh sáng trong căn phòng của bạn như thế nào? Sáng trưng, mờ đục hay tối om? Nguồn sáng chủ yếu đến từ cửa sổ hay từ đâu khác? Bạn có thể sử dụng những nguồn sáng nào để tạo ra một không gian ấm áp: bóng đèn, đèn ngủ hay đồ trang trí Giáng sinh? Hãy cân nhắc và bố trí hợp lí các nguồn sáng cho phù hợp với không gian, ý tưởng và tính chất của bức ảnh bạn định chụp.

Ánh sáng có lẽ là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một bức ảnh. Hãy chú ý đến những màu sắc xuất hiện trong phòng và sử dụng các thiết lập khác nhau để thử nghiệm và tìm ra lựa chọn phù hợp nhất.

Với những người mới tập chụp thì ít nhất, bạn hãy cố gắng giữ cho chủ thể của bức ảnh không bị cháy sáng hoặc tối om là được.

Đừng sợ các cài đặt thủ công (manual)

Các cài đặt ISO, khẩu độ và tốc độ màn trập thủ công không thực sự quá phức tạp nếu bạn để tâm tìm hiểu một chút về các yếu tố của sự phơi sáng ảnh. Bạn không có gì phải xấu hổ khi sử dụng chế độ tự động; nó rất hữu ích trong các tình huống có sự thay đổi liên tục về ánh sáng, con người và môi trường xung quanh. Tuy nhiên, có những bức ảnh chụp ở chế độ tự động sẽ không thể hiện được đầy đủ sắc thái nghệ thuật đúng như ý tưởng của bạn. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp bạn chụp những bức ảnh với ánh sáng ấm áp, nhẹ nhàng, rực rỡ từ những món đồ trang trí Giáng sinh trong môi trường ánh sáng yếu. Trong các trường hợp như vậy, cài đặt thủ công là lựa chọn duy nhất mà bạn phải sử dụng.

Một số dòng máy có thể không có chế độ cài đặt thủ công, thường được kí hiệu bằng chữ "M" (Manual). Trong trường hợp đó, hãy sử dụng chế độ "P" (Program). Hãy làm quen với chiếc máy ảnh bạn sẽ sử dụng và đừng ngần ngại chụp thử và chụp hỏng! Bạn thậm chí có thể điều chỉnh các thiết lập thủ công với camera của iPhone nữa đó.

Hơn thế nữa, nếu bạn đang sử dụng DSLR, bạn có thể thử chế độ bán tự động như Ưu tiên khẩu độ (Aperture Priority) và Ưu tiên tốc độ (Shutter Speed Priority), khi đó bạn sẽ tự điều chỉnh khẩu độ và ISO, nhưng để máy ảnh quyết định tốc độ màn trập tự động dựa trên thanh đo sáng.

Chụp một bức ảnh nhiều lần

Căn chỉnh là một từ quan trọng trong từ điển của các nhiếp ảnh gia. Kể từ khi máy ảnh kĩ thuật số ra đời, nó đã góp phần giảm đáng kể chi phí để chụp một bức ảnh, vì vậy hãy chụp càng nhiều càng tốt. Bạn phải nhớ rằng, khoảnh khắc chỉ xuất hiện một lần và không bao giờ lặp lại, nên chụp cùng một bức ảnh 20 lần và chọn bức tốt nhất luôn tốt hơn chỉ chụp duy nhất một tấm ảnh và sau đó hối hận rằng ước gì mình đã có thể chụp tốt hơn.

Hãy làm người kể chuyện qua những tấm ảnh

Bạn còn nhớ ở phần trước của bài viết này, chúng ta nói về việc không nên bắt mọi người trong gia đình tạo dáng một cách khuôn mẫu? Hãy tự đóng vai một phóng viên ảnh, ngay cả khi bạn đang chụp những bức ảnh gia đình, bạn bè đời thường. Một bức ảnh đẹp là bức ảnh có thể kể cho ta một câu chuyện, kể cả những bức ảnh nhỏ, và bạn nên nghĩ trước về câu chuyện mà bạn định kể trước khi chụp.

Người thân, bạn bè của bạn – những chủ thể của bức ảnh – họ đang làm gì? Liệu họ có đang cắt rau củ, mở hộp quà, xem TV, hay làm gì đó khác? Con người là một trong những đối tượng chụp ảnh có sức nặng nhất, bởi người xem có thể ngay lập tức liên hệ với bản thân và đồng cảm với chủ thể của bức ảnh cũng như những gì chủ thể đó đang làm. Ta có thể ghi lại các sự kiện và cảm xúc của những người có mặt trong sự kiện ấy: những hành động, cảm giác hạnh phúc, nước mắt và tiếng cười. Khi bạn kể câu chuyện của mình qua những tấm ảnh, bạn sẽ dễ dàng đưa bản thân và người xem trở lại khoảnh khắc đó, dù cho bạn là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư.

Chú trọng đến bố cục

Bạn có thể không phải là một nghệ sĩ, nhưng nhiếp ảnh cũng chính là một loại hình nghệ thuật thị giác. Một lần nữa, bạn phải tư duy, hãy thể hiện khả năng suy nghĩ trực quan khi bạn chụp một bức ảnh. Hãy tìm đọc về tỉ lệ vàng và quy tắc một phần ba để chụp nên những bức hình độc đáo.

Nói tóm lại, bạn chỉ nên tập trung vào những đối tượng mà mình muốn chụp từ đầu. Đừng đứng quá xa để rồi để vướng quá nhiều chi tiết thừa trong bức ảnh. Khi chụp ảnh trẻ em, hãy quỳ xuống và để máy ảnh ngang tầm mắt của trẻ, tránh chụp từ trên đỉnh đầu của chúng xuống. Và không phải lúc nào cũng đặt đối tượng chụp ở trung tâm bức ảnh, bởi làm như thế nhiều sẽ rất nhàm chán, nhất là khi bạn muốn khoe các tác phẩm của mình cho mọi người xem.

Nếu bạn muốn bố cục ảnh của mình theo những cách độc đáo hơn, vượt ngoài quy tắc một phần ba truyền thống, hãy tìm hiểu thêm về cách bố cục ảnh theo đường chân trời, hay việc tận dụng tiền cảnh và hậu cảnh một cách linh hoạt để khiến bức ảnh của mình có sức nặng hơn. Bạn có nhớ lời khuyên của tôi ở trên về việc nên chụp thử một vài tấm ảnh trước khi khách tới? Hãy tận dụng khoảng thời gian đó để nghĩ về cách phối kết hợp các chi tiết sẵn có trong không gian chụp của bạn để giúp bố cục ảnh tốt hơn.

Hãy chụp thử khi có và không có flash

Khi muốn chụp một bức ảnh có dải tương phản động (để giữ chi tiết ở cả vùng sáng và vùng tối của ảnh), thông thường chúng ta sẽ chụp cùng một không gian ở nhiều thiết lập khẩu độ/ tốc độ khác nhau để đảm bảo có được độ phơi sáng cần thiết. Với máy ảnh kĩ thuật số, chúng ta có nhiều thuận lợi hơn trong việc xác định ảnh của mình đã đủ sáng hay chưa trước khi chụp nhờ màn hình hiển thị trong thời gian thực. Do đó, hãy thử nghiệm các chế độ chụp có đèn flash và không có đèn flash, đặc biệt là khi bạn đang sử dụng chế độ cài đặt tự động.

Sử dụng chân máy (tripod) nếu cần thiết

Bạn có thể không có đủ kinh phí để thuê thiết bị "khủng" như những phóng viên ảnh, nhưng sử dụng tripod sẽ giúp bạn chụp ảnh với tốc độ màn trập chậm để thu được nhiều ánh sáng hơn ở những không gian tối. Ảnh chụp cây thông, những cây đào, cây quất có đèn trang trí lấp lánh trông sẽ đẹp hơn nếu chụp ở tốc độ chậm (thời gian phơi sáng dài), vì vậy nếu chụp ảnh tạo dáng gia đình, hãy nhắc họ ngồi yên không cử động và dựng chân máy.

Sử dụng thiết lập ISO thấp nhất có thể khi chụp tối

Mức ISO càng thấp, ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng của bạn sẽ càng bớt nhiễu hạt. Nếu bạn có ý định chụp những bức ảnh như vậy, hãy sử dụng ISO 200, 400 hoặc 800 thì sẽ bớt vỡ hạt hơn ISO 1600 hoặc cao hơn. Để bù sáng cho mức ISO thấp, bạn có thể kéo dài thời gian phơi sáng và sử dụng tripod, nhưng ưu điểm lớn nhất là bạn sẽ có thể giữ cho bức ảnh không bị nhiễu hạt.

Mẹo bổ sung: Nếu ảnh chưa đẹp, hãy photoshop nó!

Như chúng tôi đã nói ở phần trước của bài viết: khoảnh khắc mới là điều làm nên sự đặc biệt của những bức ảnh… và bạn sẽ không thể quay ngược thời gian để chụp lại nếu nó chưa hoàn hảo. Nếu tấm ảnh bạn chụp chưa đủ sáng, các phần mềm chỉnh sửa ảnh như Lightroom, Photoshop, Photoshop Elements, hay GIMP có các công cụ để bạn chỉnh sửa lại cho đúng. Bạn có thể bố cục, sắp xếp và ghi lại một khoảnh khắc đáng yêu nào đó, nhưng rồi độ sáng của bức ảnh chưa hoàn hảo, hoặc cân bằng trắng chưa chính xác. Mặc dù chúng ta thường cố gắng chỉnh các thông số để có được độ phơi sáng chính xác với mọi bức ảnh, nhưng sự thật là nhiều khi khó tránh khỏi các lỗi bất khả kháng. Khi ấy, đừng ngần ngại sử dụng các công cụ chỉnh sửa ảnh nhé!