Kết luận hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương ngày 12/2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 và Nghị quyết 01 ngày 1/1/2020 của Chính phủ, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho hay, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp tại các bộ, ngành, địa phương nói chung còn thấp, trong đó có tới 5 bộ và 14 tỉnh đạt tỷ lệ dưới 5%.

Thông tin với ICTnews ngày 10/5/2020, đại diện Cục Tin học hóa cho biết, sau thời gian ngắn Bộ TT&TT có công văn đôn đốc, mới đây đã có thêm 2 tỉnh là Nam Định và Tiền Giang đạt được chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nâng tổng số bộ, ngành, địa phương đạt được chỉ tiêu này lên con số 12.

Cụ thể, với Tiền Giang, thực hiện chỉ đạo ngày 8/4/2020 của lãnh đạo UBND tỉnh về tập trung ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc, thực hiện tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thời gian qua Sở TT&TT Tiền Giang đã chủ trì tích hợp được các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đặc biệt, hiện Tiền Giang đã cung cấp 621 dịch vụ công trực tuyến mức 4, đạt tỷ lệ 37,6% tổng số thủ tục hành chính.

Còn với Nam Định, đến nay, tỉnh này đã cung cấp 533 dịch vụ công trực tuyến mức 4, đạt tỷ lệ 31,81% tổng số thủ tục hành chính. Chia sẻ kinh nghiệm nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến lên mức 4 - mức cao nhất được thực hiện hoàn toàn qua mạng, ông Trần Minh Đăng, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nam Định nhấn mạnh đến sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh.

Theo ông Đăng, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được lãnh đạo tỉnh Nam Định quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xem đây là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện cải cách hành chính.

Hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT, trong đó nêu rõ yêu cầu danh mục các dịch vụ công trực tuyến phải cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 đảm bảo theo chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 và Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ.

Ngoài danh mục bắt buộc, các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn Nam Định cũng được yêu cầu tùy theo điều kiện thực tế, lựa chọn các thủ tục có phát sinh hồ sơ nhiều, có thể cung cấp triển khai trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.

Quá trình thực hiện, để gia tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tại Trung tâm hành chính công của tỉnh, Bộ phận một cửa của các huyện, thành phố trên địa bàn Nam Định đều bố trí cán bộ trực tiếp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, từ đó dần tạo thói quen.

“Công tác tuyên truyền cũng được đặc biệt quan tâm, được thực hiện qua các phương tiện truyền thông gồm Đài truyền hình, Đài phát thanh, báo giấy và báo điện tử, nhắn tin qua mạng di động, tờ rơi, mạng xã hội, email cho các doanh nghiệp. Các đơn vị của tỉnh thường xuyên gắn kết quả xây dựng chính quyền điện tử vào công tác thi đua khen thưởng”, ông Đăng thông tin thêm.

Đại diện Cục Tin học hóa cho biết, tính đến cuối tháng 4/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là hơn 54.000 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 4 là trên 16.000. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 25,3%.

Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 mà các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp đã liên tục tăng, từ mức 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019 và đạt 13,3% vào cuối tháng 4/2020.

Các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 gồm có 5 bộ, ngành: KH&ĐT, Nội vụ, Tài chính, TT&TT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và 7 tỉnh, thành phố: An Giang, Đà Nẵng, Lào Cai, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Nam Định và Tiền Giang.

Thực hiện vai trò điều phối phát triển Chính phủ điện tử nói chung và thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến nói riêng, ngày 19/3/2020, Bộ TT&TT đã có công văn 929 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4. Cụ thể, Bộ TT&TT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020, đồng thời bảo đảm việc triển khai phải hiệu quả, phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế, tránh hình thức. Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của các dịch vụ công trực tuyến đến hết năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019.