{keywords}
Để đáp ứng các quy định tại Thông tư 22 của Bộ TT&TT, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã triển khai nâng cấp, bổ sung các chức năng, tính năng của hệ thống theo yêu cầu (Ảnh minh họa)


Hệ thống dịch vụ công của Bộ GTVT đã đáp ứng Thông tư 22

Thông tin với ICTnews, đại diện Trung tâm CNTT – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, kết quả kiểm thử, đánh giá của Trung tâm Chính phủ điện tử thuộc Cục Tin học hóa – Bộ TT&TT mới đây đã xác nhận Cổng thông tin điện tử, hệ thống một cửa điện tử của Bộ GTVT đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 22/2019 của Bộ TT&TT.

Được ban hành ngày 31/12/2019, Thông tư 22 của Bộ TT&TT quy định các tiêu chí thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Các chức năng, tính năng kỹ thuật quy định trong Thông tư này là cơ bản và tối thiểu; các bộ, tỉnh có thể yêu cầu thêm chức năng, tính năng khác khi xây dựng Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử để đáp ứng yêu cầu sử dụng và đặc thù của mình.

Để đáp ứng các quy định tại Thông tư 22 của Bộ TT&TT, thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã triển khai nâng cấp, bổ sung các chức năng, tính năng của hệ thống theo yêu cầu.

Theo kết quả kiểm thử, đánh giá của Trung tâm Chính phủ điện tử - Bộ TT&TT, hiện Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ GTVT đã đáp ứng các tiêu chí, chức năng theo quy định tại Thông tư 22 như: cho phép đồng bộ danh mục thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; cho phép tìm kiếm, kết xuất thông tin tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công để phục vụ báo cáo hoặc khảo sát; hỗ trợ tra cứu qua các ứng dụng trên nền tảng di động (Android, iOS), qua SMS hoặc các ứng dụng OTT…

Thông tin thêm về chức năng hỗ trợ thanh toán nghĩa vụ tài chính khi thực hiện các dịch vụ công lĩnh vực GTVT, đại diện Trung tâm CNTT – Bộ GTVT cho hay, về thanh toán trực tuyến hiện có 2 phương thức: Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã tích hợp sẵn nền tảng thanh toán Keypay; sử dụng nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia quốc gia, phương thức này áp dụng cho các dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, một số đơn vị của Bộ GTVT có cung cấp dịch vụ công còn hỗ trợ người dùng thanh toán trực tuyến qua tài khoản ngân hàng.

Hơn 400.000 hồ sơ nộp trực tuyến trong 3 quý đầu năm 2020

Hệ thống một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông đã được Bộ GTVT xây dựng theo quy định tại Nghị định 61/2018 của Chính phủ, về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống đã chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 1/7/2019.

Đến nay, Bộ GTVT đang tổ chức cung cấp 262 dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3, bao gồm 125 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 137 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong đó, có 87 dịch vụ công của ngành GTVT tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.

Theo thống kê của Trung tâm CNTT – Bộ GTVT, trong 3 quý đầu năm 2020, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT đã tiếp nhận, xử lý hơn 400.000 hồ sơ nộp theo phương thức trực tuyến.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của ngành GTVT gồm có 2 nhóm: hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến của Bộ GTVT; hệ thống thông tin của Bộ GTVT tham gia cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN.

Trong đó, hệ thống cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến của Bộ GTVT bao gồm tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ (hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đăng kiểm), có vai trò tiếp nhận, xử lý, trả kết quả các hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT.

Hệ thống có khả năng kết nối với các hệ thống bên ngoài như Hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia NSW và các phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không, đường bộ, đường sắt, đăng kiểm.

Với hệ thống thông tin của Bộ GTVT tham gia cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, hệ thống này gồm hạ tầng kỹ thuật CNTT và các phần mềm xử lý nghiệp vụ chuyên ngành được kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia NSW qua Getway của Bộ.

Các phần mềm xử lý chuyên ngành có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, xử lý và trả kết quả thủ tục hành chính cho các đối tượng khai báo hồ sơ (cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài nước).

Hệ thống đáp ứng các tiêu chí của hệ thống Hải quan một cửa quốc gia trên cơ sở các dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GTVT; cung cấp cơ chế giao dịch điện tử cho các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, làm nền tảng phát triển các dịch vụ công trực tuyến khác của Bộ GTVT.

M.T

Tích hợp nền tảng thanh toán KeyPay với Cổng dịch vụ công quốc gia

Tích hợp nền tảng thanh toán KeyPay với Cổng dịch vụ công quốc gia

Việc tích hợp thanh toán qua nền tảng KeyPay trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ được thực hiện theo lộ trình: thí điểm với một dịch vụ công trước ngày 11/6/2020 và thực hiện với các dịch vụ công khác trước ngày 25/6/2020.