26/45 bệnh viện do Bộ Y tế quản lý đã tự chủ chi thường xuyên. Ảnh minh họa: Internet

Giải trình về các vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với bệnh viện công lập trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 15, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa.

Theo tin từ Cổng thông tin Kho bạc Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đối với các 585 bệnh viện tự chủ một phần chi thường xuyên chủ yếu là các bệnh viện, trung tâm y tế huyện; tuy nhiên mức độ tự chủ về tài chính ngày càng cao, phần lớn đã tự chủ được 80-90% chi thường xuyên. Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải một số bệnh viện Trung ương và thành phố. Kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2019 cho thấy, chỉ số hài lòng của người dân về y tế công lập đã tăng từ 1,92 năm 2017 lên 1,96 năm 2018; chỉ 0,4% số người sử dụng dịch vụ y tế của bệnh viện công tuyến huyện phải "lót tay" nhân viên y tế để được chăm sóc tốt hơn.

Việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã giúp giảm được khoảng 9.450 tỷ đồng tiền ngân sách cấp trực tiếp (so với 2015), trong đó các bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý khoảng 562 tỷ đồng; các bệnh viện thuộc địa phương (báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố) khoảng 8.889 tỷ đồng. Đồng thời, giảm số người hưởng lương từ NSNN. Chỉ tính 26 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên thuộc Bộ Y tế đã giảm được 30.826 người, số tiền lương phải chi khoảng 2.900 tỷ đồng/năm.

Hầu hết các đơn vị đã có các giải pháp để quản lý chặt chẽ nguồn thu; khuyến khích sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, trích lập các Quỹ; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư…

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhìn nhận rõ những khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của các bệnh viện có sự chênh lệch khá lớn giữa các tỉnh, thành phố và giữa các tuyến. Việc cho phép các đơn vị tự chủ về tài chính, được thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành thì có thể dẫn đến đơn vị sẽ giải thể hoặc không phát triển các khoa, bộ phận không có thu hoặc nguồn thu thấp, chỉ tập trung phát triển các khoa, bộ phận có nguồn thu, trong khi việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi hệ thống y tế phải đồng bộ giữa các chuyên khoa, chuyên ngành.

Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế huyện, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng... cung ứng được ít dịch vụ, có nguồn thu thấp, thu không đủ chi nhưng vẫn phân loại và giao là đơn vị tự bảo đảm được chi thường xuyên nên rất khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho các hoạt động; dễ dẫn đến việc chỉ định quá mức cần thiết các dịch vụ, hoặc chỉ định nhập viện để điều trị nội trú chưa đúng quy định.

Trong thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh còn nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), việc giám định các chi phí kết cấu trong giá, không thanh toán các chi phí chưa sử dụng hết định mức nhưng không bổ sung các chi phí chưa tính hoặc tính chưa đủ trong định mức và giá dịch vụ khám chữa bệnh là chưa phù hợp. Việc tạm ứng, thanh toán BHYT còn chậm, đặc biệt là phần vượt trần, vượt Quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Thảo luận tại Phiên giải trình, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai chủ trương tự chủ tại các bệnh viện công lập.