Phó Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế Phạm Xuân Viết cho biết, Bộ Y tế sẽ đảm bảo tiến độ đã đề ra, hoàn thành triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân vào năm 2025 (Ảnh minh họa: Internet)

Trong Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025, Bộ Y tế được giao chủ trì thực hiện 2 nhiệm vụ, đó là: kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát thuốc đối với cơ quan quản lý, các cơ sở cung ứng thuốc và cơ sở y tế; xây dựng và triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Hai nhiệm vụ này cùng có thời gian triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 và được tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 – 2025.

Thông tin tại cuộc họp ngày 28/2 vừa qua của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với đại diện 15 Bộ, cơ quan về tình hình thực hiện các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, Tiến sĩ Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Y tế cho biết, cả 2 nhiệm vụ nêu trên đều đang được Bộ Y tế tích cực triển khai, với khả năng đảm bảo tiến độ đã đề ra là rất khả quan.

Cụ thể, về kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, thống kê của Bộ Y tế cho hay, đến nay mạng kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc đã được triển khai tại Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã triển khai, hiện đã kết nối tới 100% các nhà thuốc, các cơ sở cung ứng thuốc có dược sĩ; cùng hơn 60% các quầy thuốc, phần còn lại chưa kết nối chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai, cố gắng hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra trong Nghị quyết 17, hoàn thành kết nối 100% cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc vào năm 2025”, ông Viết cho hay.

Với nhiệm vụ  xây dựng và triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đến từng người dân, theo ông Phạm Xuân Viết, đến nay việc này đã có sự tham gia của 7 nhà cung cấp tham gia và đã được triển khai tại 39/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, theo đánh giá của Bộ Y tế, rất có ích cho người dân, có lợi cho ngành y tế và tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề.

Được biết, thực hiện nhiệm vụ này, trung tuần tháng 11 năm ngoái, Bộ Y tế đã ban hành  kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Kế hoạch hướng dẫn rõ, hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế. Hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) là bản tin học hóa của hồ sơ sức khỏe được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử.

Bộ Y tế nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử rất có ích cho người dân, có lợi cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần hiện đại hóa ngành y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Cũng theo kế hoạch, việc triển khai hệ thống hồ sức khỏe điện tử cho người dân sẽ được ngành y tế thực hiện ngay từ năm 2019 cho đến 2025. Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tổ chức triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm đến cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân trên địa bàn tỉnh, thành phố được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử.

Thông tin từ Bộ Y tế cho hay, thời gian vừa qua, Bộ đã chỉ đạo triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và tiến hành xây dựng triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe tại một số tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Dương, Lâm Đồng, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ...