Được tổ chức dưới sự bảo trợ của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ TT&TT và Ngân hàng nhà nước, diễn đàn cấp cao về chuyển đổi số ngân hàng - Smart Banking 2022 có chủ đề “Chuyển đổi số nhanh và bền vững ngành ngân hàng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Gồm 1 phiên toàn thể, 4 hội thảo chuyên đề, 1 chương trình diễn tập thực chiến và 1 triển lãm các sản phẩm, giải pháp công nghệ số, sự kiện Smart Banking sẽ cập nhật những xu hướng mới nhất trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng. Đồng thời, đưa ra những giải pháp, chiến lược phù hợp với thực tiễn nhằm giúp ngành ngân hàng “biến nguy thành cơ”, từ đó phát triển đột phá trong tương lai. 

Theo thông tin từ Ban tổ chức, diễn ra trọn vẹn trong ngày 12/11, 4 phiên hội thảo chuyên đề của Smart Banking 2022 tập trung vào các nội dung: tương lai Fintech trong mối quan hệ hợp tác với các ngân hàng và các xu thế công nghệ mới; xu thế và giải pháp công nghệ mới về dữ liệu và nền tảng số trong tiến trình chuyển đổi số ngân hàng; phát triển dịch vụ ngân hàng số: xu thế và giải pháp công nghệ mới; đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng hoạt động ngân hàng trong kỷ nguyên số.

Diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng - DF Cyber Defense được tổ chức lần đầu vào tháng 12/2020 với hơn 30 đơn vị tham gia (Ảnh: M. Vỹ)

Một điểm nhấn trong sự kiện Smart Banking năm nay là chương trình diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng - DF Cyber Defense được tổ chức trong ngày 11/10. Theo Ban tổ chức, đến nay đã có hơn 50 tổ chức ngân hàng, tài chính lớn nhất tại Việt Nam đăng ký tham gia diễn tập phòng thủ chủ động lần này. Đây cũng là số lượng các ngân hàng, tổ chức tài chính tham gia DF Cyber Defense đông đảo nhất từ trước tới nay. 

DF Cyber Defense 2022 được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường khả năng phối hợp, trau dồi kỹ năng, giảm thiểu thời gian xử lý và phản ứng với các cuộc tấn công được trang bị kỹ thuật, chiến thuật mới; nâng cao năng lực về an toàn, an ninh mạng của đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin trong các tổ chức tài chính, ngân hàng. 

Bên cạnh cơ hội trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm cùng 50 tổ chức ngân hàng, tài chính lớn tại Việt Nam, các đội tham gia DF Cyber Defense 2022 còn cơ hội nhận được những phần thưởng lớn với tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. 

Trong lần đầu được tổ chức vào cuối năm 2020, diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng - DF Cyber Defense có sự tham gia của các nhóm cán bộ kỹ thuật chuyên trách về an toàn thông tin của 30 đơn vị tiêu biểu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó có 21 ngân hàng. 

Tham gia DF Cyber Defense 2020, các nhóm cán bộ kỹ thuật chuyên trách về an toàn thông tin của từng đơn vị đã làm bài thi về kỹ năng phân tích, điều tra có tính thực tế cao. Tình huống giả định mô phỏng quá trình xử lý sự cố hệ thống bị tấn công nhằm chiếm đoạt tài sản và dữ liệu của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Qua đó, đội ngũ kỹ thuật của các ngân hàng, tổ chức tài chính đã sử dụng kiến thức, kỹ năng của mình để lên kế hoạch xác minh, điều tra nguyên nhân và xử lý khắc phục.

Vân Anh