Các phần mềm bảo mật không phải là vũ khí toàn năng có thể bảo vệ bạn trước mọi nguy cơ tấn công. Điều quan trọng nhất là người dùng cần hết sức cảnh giác và có ý thức tự bảo vệ mình, các chuyên gia khuyến cáo.

Nửa tháng qua, chủ đề An toàn thông tin (ATTT) đặc biệt nóng trên các phương tiện truyền thông: Luật An toàn thông tin mạng chính thức được Quốc hội thông qua ngày 19/11, các Hội thảo quốc gia và quốc tế quy mô lớn về chủ đề ATTT đồng loạt được tổ chức tại Việt Nam, nơi các chuyên gia nêu bật nguy cơ về chạy đua tấn công mạng ở tầm cỡ quốc gia một cách công khai, cũng như không một ai có thể tự tin là mình đứng ngoài "vùng phủ sóng" của hacker hiện đại.

{keywords}

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khẳng định việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dùng về ATTT, về những nguy cơ bảo mật và cách phòng tránh, là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Mới đây nhất, Cục ATTT (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã đưa ra khuyến nghị về 7 cách đơn giản để người sử dụng có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ.

"Các kỹ năng này không cần phải quá phức tạp. Trên thực tế, chỉ cần một số biện pháp cơ bản và đơn giản, nhưng nếu được làm thường xuyên, nghiêm túc, thì người dùng đã có thể giảm thiểu được rất nhiều nguy cơ mất ATTT và tự bảo vệ được mình trên không gian mạng rồi", ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục ATTT nhấn mạnh.

Cụ thể, người dùng cần áp dụng 7 biện pháp cơ bản dưới đây:

1. Cập nhật thường xuyên các phần mềm sử dụng, thông qua chế độ cập nhật tự động hoăc chủ động cập nhật khi có thông báo từ nhà phát triển. Việc cập nhật này sẽ giúp vá các lỗi và lỗ hổng mới phát hiện một cách kịp thời, đồng thời giúp cho phần mềm chạy ổn định, đáng tin cậy hơn.

2. Sử dụng các chương trình diệt phần mềm độc hại hoặc tường lửa cá nhân. Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu của các chương trình này.

3. Quan tâm đến việc bảo vệ thông tin riêng tư trên môi trường Internet, đặc biệt là các dịch vụ như mạng xã hội, chia sẻ thông tin hay các dịch vụ tương tự.

4. Nâng cao tinh thần cảnh giác trong việc sử dụng email, tin nhắn qua mạng để phòng chống hiện tượng giả mạo, lừa đảo với mục đích lây lan mã độc/đánh cắp thông tin cá nhân.

5. Thực hiện sao lưu dữ liệu thường xuyên để có thể khôi phục dữ liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng trong trường hợp mất mát dữ liệu không may xảy ra.

6. Sử dụng các phần mềm có bản quyền hoặc mã nguồn mở miễn phí, nhưng phải đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc tải phần mềm.

7. Sử dụng các mật khẩu mạnh, phức tạp, kết hợp chữ hoa với chữ thường, số với các ký tự đặc biệt. Không sử dụng các mật khẩu dễ đoán như "12345" hay "abcdef"....

Đây là các phương pháp đơn giản và hoàn toàn dễ thực hiện đối với bất cứ ai để có thể bảo vệ chính mình hàng ngày, Cục ATTT khẳng định. Thông tin chi tiết hơn về các phương pháp này cũng được đăng tải trên website chính thức của Cục tại địa chỉ: http://ais.gov.vn.

T.C

Tin liên quan