UBND TP.HCM mới đây đã có góp ý dự thảo "Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước” của Bộ Tài chính.

Theo đó, cơ quan này đề xuất nghiên cứu bổ sung một số mặt hàng hóa, dịch vụ như: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng việc đánh thuế TTĐB với bất kỳ mặt hàng mới nào cần phải có thời gian nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể trước khi đề xuất.

Ai tra them tien khi dien thoai bi danh thue tieu thu dac biet? hinh anh 1
UBND TP.HCM đề xuất có thể đưa điện thoại di động vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: Thế Anh.

"Đánh thuế TTĐB với điện thoại khác gì quay lại thời bao cấp"

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, cho rằng việc TP.HCM đề xuất đánh thuế TTĐB với các mặt hàng trên là thiếu căn cứ.

Nguyên nhân là do thuế TTĐB được sinh ra để đánh vào các loại hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, hoặc độc hại, hoặc những loại hàng hóa không được khuyến khích. Nếu ngoài phạm vi này thì đó là thuế giá trị gia tăng.

“30 năm trước, khi điện thoại di động là hàng xa xỉ mà còn không đánh thuế, đến nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu với số thuê bao ngang với dân số thì lại đi đánh thuế”, ông Đức nêu nghịch lý.

Theo ông Đức, nếu đánh thuế TTĐB với điện thoại, máy ảnh… theo quan điểm của TP.HCM thì có thể đánh thuế TTĐB với bất cứ hàng hóa hay dịch vụ nào mà người dân sử dụng hàng ngày.

Ai tra them tien khi dien thoai bi danh thue tieu thu dac biet? hinh anh 2
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico. Ảnh: Quang Sơn.

Vị luật sự cũng nói thêm để nền kinh tế thị trường phát triển thì cần phải giảm bớt lượng hàng hoá chịu thuế TTĐB. Nước hoa, mỹ phẩm đã trở thành mặt hàng thiết yếu của phụ nữ, chứ không còn là sản phẩm xa xỉ để đánh thuế TTĐB.

Theo ông Đức, lý do TP.HCM cho rằng điện thoại di động tuy là hàng hóa thiết yếu nhưng cần đánh thuế để “điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên" là sai lầm.

Nguyên nhân bởi điều tiết thu nhập là việc của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

“Cứ đánh thuế như thế thì khác gì muốn quay lại thời kinh tế bao cấp với khẩu hiệu tất cả cho sản xuất, chắt bóp tích lũy, vì cái gì cũng thiếu, nên cấm ăn chơi, thắt lưng buộc bụng hạn chế triệt để nhu cầu tiêu dùng”, vị luật sự nói.

Ông cho rằng Nhà nước muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ, chứ không phải là tăng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà.

Luật sự khẳng định sắc thuế nào cũng xuất phát từ một triết lý, cơ sở nhất định chứ không phải muốn là đánh. Vì vậy, nên xem xét chuẩn bị bỏ bớt một số hàng hoá, dịch vụ đang chịu thuế TTĐB hiện nay như điều hoà, ôtô thông dụng, dịch vụ mát-xa…

Người dân chịu thuế đầu tiên

Nói với Zing.vn, luật sư Bùi Quang Tín, Chủ tịch kiêm CEO BizLight, nhận định nếu thuế TTĐB được áp dụng với các mặt hàng trên, người dân sẽ phải chịu phần thuế này đầu tiên.

“Thuế TTĐB như một loại thuế gián thu, và người dân sẽ là người chịu. Như một mặt hàng đang có giá 100 đồng, giờ áp thuế 20% thì giá người dân phải trả sẽ là 120 đồng. Như vậy, suy cho cùng vẫn là người dân phải bỏ tiền ra nộp loại thuế này”, ông Tín cho hay.

Giải thích thuế TTĐB là thuế dành cho các mặt hàng tiêu thụ, còn phần đặc biệt dùng trong các trường hợp khác nhau, luật sư Tín cho rằng TP.HCM không hẳn không có cơ sở khi đề xuất.

“Đặc biệt ở đây có thể là hàng xa xỉ, hàng độc hại hoặc cũng có thể do trường hợp nào đó khiến nó trở lên đặc biệt”, ông Tín nói.

Ví dụ như với ôtô, khi đường xá không đáp ứng được so với lưu lượng tham gia thì đây trở thành mặt hàng đặc biệt phải chịu thuế để Nhà nước kiểm soát lượng tiêu thụ.

“Có thể việc tiêu thụ điện thoại quá nhiều tại thành phố đã đạt đến một mức nào đó. Ngoài ra, việc mua điện thoại hiện nay cũng quá dễ dàng, một người dùng tới 3-4 chiếc là thừa thãi. Đây cũng có thể là căn cứ của TP.HCM”, ông Tín cho hay.

Ông cũng khẳng định bất kỳ chính sách nào được đề xuất, đưa ra đều có lý do và nhằm quản lý một mặt hàng cần thiết phải quản lý.

“Việc đánh thuế TTĐB với các mặt hàng mới cũng sẽ giúp cải thiện nguồn thu ngân sách, nhưng không nên chỉ nhìn vào hướng này mà nên nhìn theo hướng đưa ra chính sách đó sẽ giúp điều hành, kiểm soát mặt hàng, thị trường ra sao”, ông Tín cho biết.

Tuy nhiên, vị luật sư khẳng định việc áp dụng một chính sách thuế nào cũng cần thời gian nghiên cứu và đánh giá tác động. Ý kiến của TP.HCM hiện cũng chỉ dừng ở mức đề xuất và sẽ còn phải mang ra phân tích nhiều mới có thể đi đến quyết định.