Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc dự kiến sẽ sa thải khoảng 39.000 nhân viên, chiếm tới 15% tổng số nhân lực của tập đoàn này.

Bên cạnh đó, Tencent Holdings, ông lớn sở hữu nền tảng ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc cũng thông báo sẽ cắt giảm nhân viên tại một số đơn vị kinh doanh của mình. Trong đó,  đơn vị giám sát các hoạt động kinh doanh bao gồm phát trực tuyến video và tìm kiếm sẽ bị cắt giảm 10% -15% số nhân lực.

Nếu những thông tin này là thật, hành động tinh giản nhân sự của hai ông lớn đại lục sẽ trở thành đợt sa thải lớn đầu tiên của họ kể từ khi các cơ quan quản lý khởi động một chiến dịch chưa từng có vào năm 2020, nhằm kiểm soát những gã khổng lồ công nghệ tại quốc gia này.

Những quy định cứng rắn trong nước và ảnh hưởng kinh tế do đại dịch COVID-19 đã làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng của hầu hết các công ty, phá vỡ giá cổ phiếu của họ và khiến việc huy động vốn mới và mở rộng kinh doanh khó khăn hơn nhiều ở Trung Quốc, buộc hai công ty phải tìm cách cắt giảm chi phí.

{keywords}

Alibaba rơi vào khủng hoảng cục bộ

Thực chất Alibaba đã bắt đầu hoạt động cắt giảm nhân sự vào tháng 2. Các ban lãnh đạo tại một số bộ phận đã lên kế hoạch cụ thể cho việc sa thải nhân viên, tại thời điểm này, nhiều đơn vị cũng bắt đầu triển khai giảm bớt nhân lực.

Một thông tin khác cho biết, mảng dịch vụ Ele.me của công ty cũng có kế hoạch sa thải tới 25% số lượng nhân viên. Bên cạnh đó, nền tảng phát trực tuyến video Youku cũng đang lên kế hoạch sa thải một số đơn vị phát triển nội dung.

Vào tháng 2, Alibaba đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu hàng quý chậm nhất kể từ khi công khai vào năm 2014, sự sụt giảm doanh số bán hàng ở phân khúc kinh doanh cốt lõi đã kéo cổ phiếu của công ty giảm hơn 60% kể từ đầu năm ngoái.

CEO Alibaba, tỷ phú Jack Ma công khai chỉ trích hệ thống quản lý của Trung Quốc, gây ra những ảnh hưởng xấu tới công ty, bao gồm khoản phạt 2,8 tỷ USD vì độc quyền. Sau đó là hàng loạt quy định nghiêm ngặt, đã khiến cho Ant Group, công ty chuyên thanh toán điện tử do Alibaba hậu thuẫn cũng bị đình chỉ IPO trước khi lên sàn.

Thống kê năm 2021 cho thấy, tổng số nhân lực của Alibaba đạt con số 251.462 nhân viên, nếu sự kiện đen tối này xảy ra, đây có thể là lúc Alibaba sẽ chấm dứt thời kỳ hoàng kim. Hiện tại, Alibaba Cloud vẫn chưa đưa ra thông báo về việc sẽ sa thải nhân viên. Đây có lẽ sẽ là đơn vị vẫn giữ được nhân lực sau đợt “thanh lọc” mang tính bắt buộc của ông lớn này.

{keywords}

Tencent khởi động chiến dịch “mùa đông” tăng trưởng

Đối với Tencent Holding, kế hoạch sa thải được thiết lập để bắt đầu từ các doanh nghiệp ít sinh lời hơn như Tencent Video và Tencent Cloud. Trong cuộc họp nội bộ tại Tencent vào cuối năm 2021, giám đốc điều hành Pony Ma tiết lộ với nhân viên rằng công ty nên chuẩn bị cho một “mùa đông” tăng trưởng. Điều này dấy lên lo ngại về một tương lai ảm đạm cho một số nhân viên.

Theo một báo cáo tạm thời vào năm 2021,Tencent có 94.182 nhân viên vào tháng 6 năm ngoái, tăng hơn đáng kể so với con số 70.756 một năm trước đó.

Chưa dừng lại ở đó, công ty gọi xe lớn nhất Trung Quốc, Didi Global cũng đang có kế hoạch giảm tổng số nhân viên của mình xuống 15% do hoạt động kinh doanh trong nước của họ bị ảnh hưởng bởi các quy định từ chính phủ. Trước đó, doanh nghiệp này đã rơi vào tầm ngắm của chính phủ do liên quan tới các vấn đề an ninh mạng.

Cho tới thời điểm hiện tại, cả 3 ông lớn Alibaba, Tencent và Didi vẫn chưa có câu trả lời tới giới truyền thông về vấn đề này.

Thái Hoàng (tổng hợp)

 

Big Tech Trung Quốc đổ tiền vào vũ trụ ảo, TikTok 'qua mặt' Apple và Google

Big Tech Trung Quốc đổ tiền vào vũ trụ ảo, TikTok 'qua mặt' Apple và Google

BigTech Trung Quốc đổ tiền vào vũ trụ ảo; TikTok 'qua mặt' Apple và Google lấy dữ liệu người dùng; Mỹ đưa sàn TMĐT của Tencent và Alibaba vào danh sách đen;... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.