Công nghệ bảo vệ người dân và du khách

Trước đại dịch, thủ đô của Hà Lan luôn tràn ngập khách du lịch. Trong năm 2019, Amsterdam tiếp đón hơn 20 triệu lượt khách. Đại dịch Covid-19 kéo theo các hạn chế đi lại khiến lượng khách du lịch giảm đáng kể, cùng những lo ngại về giãn cách xã hội và mong muốn quản lý các điểm nóng trong tương lai đã trở thành động lực thúc đẩy thành phố áp dụng thử nghiệm công nghệ giám sát đám đông.

“Tôi đã tham gia vào một số dự án của thành phố trong 10 năm qua… và trong trường hợp này, chúng tôi phải giải quyết vấn đề đám đông. Thành phố đang ngày trở nên nổi tiếng và thực sự đông đúc”, Thomas Van Arman, nhà sáng lập và giám đốc TAPP, công ty thiết kế thành phố thông minh trụ sở tại Amsterdam, chia sẻ về dự án Public Eye.

{keywords}
 

Camera với các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) ghi lại quy mô, mật độ và hướng di chuyển của đám đông. Dữ liệu được mã hoá, không thể tái cấu trúc và xuất hiện dưới dạng bản đồ nhiệt. Hiện sân Johan Cruyff Arena và bãi tắm ngoài trời nổi tiếng gần trung tâm thành phố, Marineterrein, là hai địa điểm đã áp dụng công nghệ này.

Tại Marineterrein, người đi bơi nếu có mong muốn không bị quay phim chụp hình, có thể bấm nút để kích hoạt chế độ tắt camera trong vòng 15 phút. Một ứng dụng trên điện thoại thông minh, cũng như màn hình lắp đặt trong khu vực, được xây dựng để thông báo cho du khách về mật độ dưới dạng bản đồ nhiệt. Các quan chức thành phố khẳng định giải pháp thông minh này đã góp phần bảo vệ an toàn và riêng tư của người dân.

Rachel Tienkamp, uỷ viên hội đồng thành phố cho biết: “Việc biết được vị trí đám đông giúp ích rất nhiều cho thành phố. Các dữ liệu giúp chúng tôi biết được cần phải làm gì trong trường hợp đám đông ngày càng lớn, ví dụ như hướng dẫn chuyển hướng giao thông cho mọi người”.

Hệ thống trên chỉ là một trong nhiều giải pháp thông minh đang được phát triển và sử dụng tại thủ đô của Hà Lan. “Amsterdam là thành phố cổ kính nhưng công nghệ ở khắp mọi nơi. Ví dụ, chúng tôi đang thử nghiệm các xuồng tự lái, cùng với máy bay không người lái, nhưng điều quan trọng nhất và mục đích cuối cùng là công nghệ được sử dụng một cách có trách nhiệm để thực sự bảo vệ quyền riêng tư và tự chủ của mỗi người”, Cornelia Dinca, từ ASC (dự án Amsterdam Smart City), cho biết.

Thành phố thông minh Amsterdam (ASC)

Quy hoạch thành phố thông minh ASC là một ví dụ điển hình về đối tác công tư. Triển khai từ năm 2009 với tiền thân là sáng kiến Amsterdam ngăn chặn kém phát triển (AIM) năm 2007, dự án ASC đã quy tụ được hàng trăm đối tác, gồm các công ty tư nhân, thể chế nhà nước, viện nghiên cứu và người dân nhằm tạo ra kế hoạch phát triển số hoá, năng lượng, di chuyển, kinh tế tuần hoàn, môi trường sống và dịch vụ công. ASC đặt mục tiêu giảm 40% khí thải CO2 vào năm 2025.

ASC được tạo ra nhằm biến khu vực đô thị trở thành vườn ươm ứng dụng rộng rãi các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, đồng bộ với nhu cầu thực tế của người dân. Một trong những điểm độc đáo của ASC là các hướng dẫn về phát triển và đầu tư không cố định, mà luôn được cập nhật thích ứng với tình hình, nhu cầu mới. Chỉ riêng năm 2018, đã có hơn 230 dự án xanh tiềm năng được thử nghiệm.

Dự án Groen Grachten, hay còn gọi là “những con kênh xanh”, nhằm cải tạo các kiến trúc cổ dọc kênh đào trong thành phố trở nên tiết kiệm năng lượng mà không ảnh hưởng đến di sản kiến trúc nói chung. Bằng cách sử dụng các pin nguyên liệu (fuel cells), các toà nhà cổ nay đã có nguồn điện riêng và có thể cắt giảm một nửa lượng CO2 phát thải.

Quy hoạch có kết cấu cho phép việc thử nghiệm có thể được tiến hành đối với từng khu phố. Alliander, nhà cung cấp năng lượng chính trong cả nước, đã ứng dụng mạng lưới điện thông minh, với các trang bị đồng hồ đo hiện đại và sử dụng tập trung tấm năng lượng mặt trời, từ đó giảm chi phí chi tiêu cho năng lượng của người dân.

Ánh sáng thông minh cũng được quan tâm đặc biệt tại Amsterdam. Các hãng Philips, Cisco và Alliander đã cùng bắt tay triển khai dự án ánh sáng thông minh tại thành phố thủ đô này. Ví dụ, ánh sang có thể tự động điều chỉnh theo thời tiết, hay tăng giảm độ sáng tuỳ vào tình trạng giao thông hay điều kiện nhất định. Năng lượng tiết kiệm sau đó có thể sử dụng cho các chức năng khác như phát song Wifi hoặc đo chất lượng không khí.

Nền kinh tế tuần hoàn

Nền kinh tế tuần hoàn hướng tới tái sử dụng nhiều nhất có thể các tài nguyên. Thành phố đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: 65% chất thải gia đình phải được phân tách để tái tạo hoặc tái sử dụng vào năm 2025; giảm 50% việc sử dụng nguyên liệu thô vào năm 2030 và trở thành thành phố có nền kinh tế tuần hoàn 100% vào năm 2050.

Để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể chuyển đổi kinh tế thành phố, Amsterdam sử dụng công cụ kỹ thuật số Circle City Scan, do tổ chức Circle Economy phát triển. Công cụ này, với các dữ liệu cả độc quyền và công khai, cho phép chính quyền địa phương rà soát và nhận diện các ưu tiên tuần hoàn trong từng khu vực cụ thể.

Power to Protein, dự án tái sử dụng nước thải thành phố, được áp dụng để lọc các protein thô từ cống nước thải và sau đó tạo ra bột protein. Quá trình này cần CO2, do đó đã biến nước thải trở thành một tài nguyên có giá trị. Ngay trong giai đoạn tiền dự án, ước tính chỉ cần một nhà máy xử lý đã có thể cung cấp lượng protein đủ cho 36% dân số của thành phố thông minh.

Không chỉ rác thải được tái sử dụng, tại đây ngay cả các toà nhà cũng có thể “tuần hoàn”. ABN AMRO, một ngân hàng của Hà Lan, đã cho xây dựng toà nhà tái sử dụng đầu tiên tại Amsterdam, với phần lớn nguyên vật liệu xây dựng đều có thể được tái chế và dễ dàng trong việc tháo dỡ.

50% người dân thế giới đang sinh sống tại các thành phố và dự báo tới năm 2050, con số này sẽ tăng lên 70%, tạo ra những áp lực không nhỏ đối với hệ thống cơ sở hạ tầng và môi trường sinh thái đô thị. Các thành phố sẽ ngày càng phải “thông minh hơn”, bền vững hơn để thích ứng với sự gia tăng dân số toàn cầu cũng như chống chịu tác động từ biến đổi khí hậu gây ra bởi chính con người.

Vinh Ngô

Nông trại đô thị thông minh giúp Singapore giải bài toán an ninh lương thực

Nông trại đô thị thông minh giúp Singapore giải bài toán an ninh lương thực

Các nhóm nông dân trong thành thị đã phát triển mô hình AbyFarm, sử dụng những công nghệ như IoT, blockchain và máy học để nâng cao năng suất trồng cây lương thực với một quỹ đất hạn chế của Singapore