Ấn Độ tăng cường trấn áp các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường bằng một loạt hành động pháp lý, gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia lớn nhất châu Á. Nhà chức trách Ấn Độ vừa cáo buộc Oppo trốn thuế. Trước đó, Xiaomi và Vivo cũng bị truy quét, kiện tụng và tịch thu tài sản. Ba hãng điện thoại này chi phối khoảng 60% thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ.

Sóng gió Ấn Độ của điện thoại Trung Quốc

Áp lực mà các thương hiệu smartphone Trung Quốc gặp phải xuất hiện giữa lúc New Delhi đang tìm cách bồi đắp lĩnh vực công nghệ nội địa, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu và trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước láng giềng cũng không mấy êm đẹp kể từ cuộc đụng độ tại biên giới hai năm trước.

Dù Ấn Độ nhấn mạnh các vụ việc chống lại doanh nghiệp Trung Quốc không có động cơ chính trị, theo Financial Times, các cuộc bố ráp bổ sung vào danh sách những lo ngại về môi trường đầu tư nước ngoài tại đây.

{keywords}
Smartphone Trung Quốc thống trị thị trường Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Ashutosh Sharma, Giám đốc nghiên cứu của hãng phân tích thị trường Forrester, nhận định căng thẳng biên giới khiến việc giám sát các công ty Trung Quốc của Ấn Độ thêm chặt chẽ. Tổng cục Tình báo tiền tệ (DRI) tố Oppo trốn thuế 550 triệu USD. Cụ thể, điều tra viên tìm thấy bằng chứng về việc Oppo lợi dụng miễn trừ thuế cho các mặt hàng nhập khẩu sử dụng trong sản xuất điện thoại di động. Họ cũng cáo buộc Oppo không bao gồm các khoản phí bản quyền khác nhau trả cho doanh nghiệp nước ngoài khi tính toán giá trị của hàng hóa nhập khẩu. DRI yêu cầu Oppo hoàn trả toàn bộ số tiền này.

Trong khi đó, Vivo bị bố ráp tại 48 địa điểm và tịch thu 60 triệu USD. Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ phàn nàn “các cuộc điều tra thường xuyên từ phía Ấn Độ đối với doanh nghiệp Trung Quốc” làm gián đoạn việc kinh doanh. Vivo cho biết đang phối hợp với nhà chức trách.

Năm nay, Ấn Độ còn cáo buộc Xiaomi, thương hiệu smartphone số 1 trong nước, chuyển 725 triệu USD bất hợp pháp nước ngoài song Xiaomi phủ nhận.

Jabin T Jacob, Giáo sư Đại học Shiv Nadar, bình luận: “Các công ty Trung Quốc được dự đoán sẽ bị nhắm đến theo thời gian. Xung đột biên giới càng kéo dài, càng nhiều công ty Trung Quốc gặp rủi ro”. Dù vậy, dường như các cáo buộc của nhà chức trách không phải không có cơ sở, Jacob nói thêm.

Ấn Độ “học tập” Trung Quốc

Cùng với Samsung, smartphone Trung Quốc từng bước chiếm thị phần của những tên tuổi nội địa, cạnh tranh bằng cách cung cấp công nghệ mới hơn với giá bán rẻ hơn. Với chính phủ Ấn Độ, sự thống trị của các nhà sản xuất Trung Quốc “là quan ngại lớn”, Sharma nhận xét. Đó là lý do Ấn Độ thúc đẩy sáng kiến “Make in India”, khuyến khích sản xuất trong nước. Hầu hết các công ty Trung Quốc đều sản xuất thiết bị tại Ấn Độ và đầu tư mạnh tay vào nhà máy.

Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar bác bỏ việc Ấn Độ phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc. Ông khẳng định, “quan điểm của chúng tôi không bị dẫn dắt bởi việc họ có phải người Trung Quốc hay không”. “Đó là luật, là quy định mà anh phải tuân thủ, không có vé thông quan miễn phí cho bất kỳ ai”.

Trước đây, Ấn Độ công khai tỏ thái độ lạnh nhạt với các công ty Trung Quốc. Nước này hạn chế đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia láng giềng từ tháng 4/2020 khi dịch Covid-19 làm doanh nghiệp trong nước suy yếu, dễ bị thâu tóm. Đặc biệt, căng thẳng leo thang sau vụ đụng độ giữa binh lính hai nước mùa hè năm 2020, dẫn đến việc Ấn Độ cấm hàng trăm ứng dụng Trung Quốc, bao gồm TikTok, vì lý do an ninh quốc gia.

Nhấn mạnh sự phức tạp trong quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Soumya Bhowmick, chuyên gia của Tổ chức nghiên cứu Quan sát viên tại New Delhi, chỉ ra sau một năm 2020 đi xuống, đầu tư Trung Quốc vào startup Ấn Độ năm 2021 “cao nhất trong vòng 3 năm” và trở lại ổn định trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Alibaba và Tencent nằm trong số các công ty đứng sau lớn nhất.

Thương mại song phương nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc: Ấn Độ nhập khẩu 27,7 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc ba tháng đầu năm 2022 nhưng chỉ xuất khẩu 4,9 tỷ USD. Điện tử, hóa chất và phụ tùng xe hơi chiếm phần lớn tỉ trọng nhập khẩu.

Dù vậy, các lĩnh vực chiến lược vẫn bị hạn chế. New Delhi không muốn các hãng viễn thông của mình sử dụng thiết bị của Trung Quốc. Huawei cũng bị điều tra thuế song công ty cho biết “hoàn toàn tuân thủ” quy định của nước sở tại. Đóng băng các công ty Trung Quốc khỏi lĩnh vực viễn thông đã khuyến khích những người chơi nội địa đầu tư vì ít nhất họ sẽ được đền đáp mà không lo phải cạnh tranh với ai khác.

“Theo nhiều cách, người Ấn đang làm theo công thức của người Trung Quốc, đó là phát triển những nhà vô địch quốc gia của riêng mình”, học giả Jacob nói.

Reliance Jio, bộ phận kỹ thuật số thuộc tập đoàn dầu mỏ của tài phiệt Mukesh Ambani, đã xáo trộn thị trường viễn thông di động nhờ gói cước dữ liệu siêu rẻ từ năm 2016. Công ty ra mắt smartphone tự phát triển vào năm ngoái với sự hỗ trợ của Google và Facebook. Dù chưa chiếm thị phần đáng kể, nhà phân tích Sharma tin rằng trong 2 đến 3 năm tới, tình thế sẽ thay đổi. Họ có thể nhìn thấy sự dẫn dắt của những tên tuổi địa phương như Reliance.

Tuy nhiên, Gurcharan Das, cựu CEO P&G Ấn Độ, cho rằng nên tách bạch giữa thương mại và chính trị. “Chúng ta không nên pha trộn giữa chính trị với kinh tế. Một quốc gia thông minh sẽ không làm tổn thương nền kinh tế của nó”.

Du Lam (Tổng hợp)

Oppo trốn thuế hơn nửa tỷ USD tại Ấn Độ

Oppo trốn thuế hơn nửa tỷ USD tại Ấn Độ

Một cuộc điều tra của Tổng cục tình báo Tiền tệ Ấn Độ (DRI) chỉ ra nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đã trốn thuế 43,89 tỷ rupee (551 triệu USD).