HS thêm hứng thú, giờ học thêm hiệu quả

Với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, gắn với xây dựng xã hội học tập, trong thời gian qua, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng đầu tư cho giáo dục. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh đã chi cho giáo dục đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước là 21.923 tỷ đồng, tăng 61% giai đoạn 5 năm trước đó.

Trong đó, ứng dụng các thiết bị số vào hoạt động giảng dạy, sử dụng các ứng dụng, phần mềm thông minh để quản lý trường học đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành giáo dục Quảng Ninh.

{keywords}
Ảnh: báo Quảng Ninh

Sự thay đổi trước tiên trong các lớp học thông minh ở Quảng Ninh là những bài dạy được thầy cô minh họa sinh động thông qua hình ảnh, clip sinh động. Ngay cả những môn học “khó nhằn” như Toán, Lý, Hóa hay khô khan như Lịch sử, bài học trở nên hấp dẫn hơn nhờ các phần mềm tương tác thầy cô sử dụng.

Tại trường Tiểu học Hạ Long 100% lớp được trang bị máy chiếu, trong đó có 8 phòng học thông minh. Nhiều trường trang bị đường truyền mạng cáp quang tốc độ cao, phục vụ nhu cầu sử dụng Internet của giáo viên và HS.

Không chỉ thầy cô, các em HS cũng thành thạo sử dụng các phần mềm học tập. Ngay từ cấp mầm non, các em nhỏ tại thị trấn Bình Liêu đã học nhiều bài học phát triển trí tuệ qua phần mềm trên máy vi tính. Giờ học thực sự hấp dẫn các em bằng những hình ảnh vui nhộn, nhiều sắc màu.

Đến cấp tiểu học, các em HS ở trường Tiểu học Cẩm Đông (TP. Cẩm Phả) hay trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP. Hạ Long) cũng sử dụng thành thạo máy tính, máy tính bảng để làm toán, học văn.

{keywords}
Ảnh: báo Quảng Ninh

Từ trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm thi, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, chuyển kết quả tự động sang phần mềm quản lý trường học trực tuyến tại một số trường THPT. Khi đại dịch bùng phát, các lớp học thông minh góp phần giúp Quảng Ninh sẵn sàng đón năm học mới với 2 phương án dạy học tập trung và học online khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Đồng thời nhiều trang thiết bị dạy học thông minh, thiết bị y tế được bổ sung cho các điểm trường để các thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh.

Ứng dụng công nghệ đảm bảo an toàn sức khỏe cho HS

Bên cạnh ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Quảng Ninh còn sử dụng công nghệ hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh tới phụ huynh, cán bộ, giáo viên, đồng thời giám sát việc các nhà trường thực hiện các quy định phòng chống dịch và theo dõi sức khỏe HS tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phổ biến và quan trọng nhất là việc triển khai khai báo y tế bằng mã QR tại các nhà trường.

Tại Hạ Long, một số trường còn triển khai mô hình camera thông minh để đảm bảo sát sao trong công tác theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe HS, giáo viên. Qua đó, Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của tỉnh có thể giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy định đeo khẩu trang và các biện pháp phòng, chống dịch tại các trường học.

{keywords}
Ảnh: Giáo dục Việt Nam

Ngành giáo dục cũng kết nối các nhóm Zalo từ Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đến các trường, lớp học và đến mỗi phụ huynh HS, thuận tiện chia sẻ và nắm bắt thông tin, các chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 ngay cả trong điều kiện học online.

Cùng với đó, việc hiện đại hóa thủ tục hành chính, quản lý văn bản, hồ sơ công việc cũng đang được ngành giáo dục Quảng Ninh tiếp tục số hóa, ứng dụng chữ ký số tại Sở và các phòng GD&ĐT. Các buổi giao ban trực tuyến toàn tỉnh hằng tháng qua hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến chuẩn HD kết nối từ Sở GD&ĐT đến tất cả các địa phương trong toàn tỉnh.

Hiện Quảng Ninh đang ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH, gồm: y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, báo chí truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Đề án Chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Quảng Ninh xây dựng dựa trên những thành quả đã đạt được của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Mục tiêu của Đề án là tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội từ chuyển đổi số, để xây dựng Quảng Ninh ngày càng văn minh, giàu, mạnh, mang lại giá trị hạnh phúc cho người dân.

D.A