Theo báo cáo của Reuters, vào ngày 19/12, Apple tuyên bố rằng họ đã đưa Wistron vào “chế độ thử nghiệm” và sẽ không cung cấp cho công ty hoạt động kinh doanh mới, cho đến khi giải quyết xong vấn đề đối xử với nhân viên trong nhà máy ở Ấn Độ.

Apple đình chỉ các đơn đặt hàng mới của Wistron sau vụ bạo loạn tại Ấn Độ

Wistron là một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple. Để đối phó với “Sự cố nhà máy ở Ấn Độ”, cuộc điều tra sơ bộ của Apple bởi nhóm đánh giá phát hiện ra rằng Wistron đã vi phạm quy tắc ứng xử dành cho nhà cung cấp của Apple. Việc công ty không thực hiện đúng quy trình quản lý giờ làm việc gây ra tình trạng chậm trả lương cho một số người lao động trong tháng 10 và tháng 11.

Wistron ngay lập tức thừa nhận rằng tại nhà máy Kolar ở Karnataka, Ấn Độ, một số công nhân đã không nhận được lương đúng hạn hoặc không được trả đúng hạn. Wistron cũng xác nhận sẽ sa thải một giám đốc điều hành phụ trách hoạt động của Ấn Độ.

“Mục tiêu chính của chúng tôi là đảm bảo rằng tất cả người lao động đều được đối xử công bằng và tôn trọng, đồng thời được bồi thường đầy đủ kịp thời”, Apple cho biết sẽ theo dõi hoạt động của Wistron và tiếp tục điều tra nhà máy ở Ấn Độ.

Cuối tuần trước, nhà máy sản xuất iPhone của Wistron ở Golar, Ấn Độ, bị đập phá dữ dội do cắt giảm lương thưởng và nợ lương nhân viên. Một số thiết bị văn phòng bị hư hỏng và hơn 20 nghìn chiếc iPhone bị đánh cắp. Sau vụ bạo động, nhà máy buộc phải đóng cửa. Wistron ước tính ban đầu, thiệt hại của nhà máy vào khoảng 200 triệu Đài tệ, tương đương gần 165 tỷ đồng.

Theo hướng dẫn của Apple, nhà cung cấp phải tuân thủ tất cả yêu cầu pháp lý liên quan đến tiền lương và phúc lợi, đồng thời trả lương đúng hạn và đầy đủ. Do vi phạm nguyên tắc của nhà cung cấp, vào tháng 11 năm nay, Apple đã ngừng đặt hàng điện thoại di động mới từ nhà cung cấp Pegatron của Đài Loan.

Theo báo cáo của Bloomberg vào ngày 18/12, các nguồn tin tiết lộ rằng chiến lược tuyển dụng và mở rộng nhanh chóng của Wistron ở Ấn Độ là nguyên nhân dẫn phát vụ bạo loạn và đội ngũ quản lý, bộ phận nhân sự do đó đã phải chịu áp lực rất lớn. Trong bối cảnh đó, hệ thống quản lý nhân viên trong nhà máy ở Ấn Độ nhanh chóng sụp đổ, khiến hồ sơ chấm công không đồng đều và việc trả lương, làm thêm giờ bị chậm trễ.

Báo cáo chỉ ra rằng nhà máy của Wistron ở Golar, Ấn Độ đang mở rộng rất nhanh chóng. Trước khi bùng phát dịch bệnh, số lượng nhân viên của nhà máy là khoảng 2.000 người, nhưng vào tháng 11 đã tăng lên khoảng 9.000 người, tương đương với mức tăng hơn 3 lần trong 8 tháng. Để tuyển dụng số lượng lớn nhân viên trong thời gian ngắn, Wistron đã ký hợp đồng với 6 công ty nhân sự.

Theo Reuters, cuộc điều tra sơ bộ của Bộ Lao động Ấn Độ đối với Wistron cũng cho thấy công ty Đài Loan này đã “vi phạm nhiều lần luật lao động”. Wistron thừa nhận mắc sai lầm trong kế hoạch mở rộng tại Ấn Độ, đồng thời cho biết họ đang tối ưu hóa và nâng cấp cơ chế nhân sự và quy trình trả lương.

Nhà máy nói trên nằm gần Bangalore, Ấn Độ, chủ yếu ký hợp đồng sản xuất các sản phẩm điện thoại thông minh như iPhone SE, các sản phẩm Internet of Things (IOT) và thiết bị công nghệ sinh học.

Phong Vũ

Video 'nóng' công nhân đập phá tại nhà máy sản xuất iPhone

Video 'nóng' công nhân đập phá tại nhà máy sản xuất iPhone

Các công nhân tại một nhà máy sản xuất iPhone ở Ấn Độ đã đập phá các văn phòng hôm 12/12 do liên quan tới việc trả lương.