Chính điều này lại khiến cho thị trường iPhone đã qua sử dụng (secondhand) tại Nhật Bản trở nên nhộn nhịp. Yen Nhật mất giá bóp nghẹt người dùng và thúc đẩy thói quen mua sắm mới. Giới quan sát nhận định khách hàng Nhật ngày càng cởi mở hơn với việc mua đồ cũ nhờ sự phổ biến của các website đấu giá trực tuyến.

Vào tháng 7, Apple tăng giá iPhone tiêu chuẩn gần 1/5. iPhone 14 bản thường cũng đắt hơn 20% so với iPhone 13, ngay cả khi giá bán tại Mỹ không đổi (799 USD). Do đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác trong năm nay, yen đặc biệt bị ảnh hưởng và mất giá khoảng 22%.

 Khách hàng xem điện thoại cũ trong cửa hàng Iosys ở Tokyo, Nhật Bản ngày 28/10. (Ảnh: Reuters)

Kaoru Nagase, một nhân viên văn phòng, muốn mua máy mới nhưng không đủ tiền cho iPhone 14 có giá thấp nhất 119.800 yen (814 USD). Vì vậy, anh chuyển sang mua iPhone SE 2 cũ tại phố điện tử Akihabara ở Tokyo với giá chưa tới 1/3.

“Giá hơn 100.000 yen, iPhone 14 quá đắt và tôi không thể mua nổi. Sẽ tốt hơn nếu pin kéo dài 10 năm”, anh chia sẻ. iPhone SE 2 ra mắt năm 2020, tính năng đủ dùng so với giá bán.

Apple từ chối bình luận về câu chuyện này, dù vậy, trong báo cáo nộp lên nhà chức trách tháng trước, công ty Mỹ cho biết, doanh số ở Nhật giảm 9% trong 12 tháng kết thúc ngày 24/9 do đồng yen suy yếu. Giám đốc Tài chính Luca Maestri cũng thừa nhận đồng USD mạnh dẫn đến giá bán tại một số nước tăng, nhưng doanh số vẫn tăng hai chữ số tại Indonesia, Việt Nam và các thị trường khác.

Trong khi đó, doanh số smartphone cũ tăng gần 15% tại Nhật lên 2,1 triệu máy trong năm 2021 và dự kiến đạt 3,4 triệu máy trong năm 2026, theo hãng nghiên cứu MM Research.

Rào cản 100.000 yen

Taishin Chonan mua iPhone 13 cũ sau khi một chiếc điện thoại của anh bị vỡ màn hình. iPhone 13 có màn hình đẹp hơn, pin và camera tốt hơn iPhone 7 anh đang dùng.

“Trước đây, tôi chỉ mua điện thoại mới, đây là lần đầu tôi mua đồ cũ”, công dân 23 tuổi cho biết. “Các mẫu mới đắt quá”.

Theo MM Research, ngay cả khi đã tăng giá, iPhone 14 ở Nhật vẫn rẻ nhất trong 37 nước sau khi cộng thêm thuế. Đồng yen yếu đồng nghĩa Apple có thể tăng giá tiếp, ảnh hưởng đến 50% thị phần của hãng tại đây.

 Nhân viên Belong vệ sinh iPhone đã qua sử dụng trong một trung tâm điều hành ở Kanagawa, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Daisuke Inoue, CEO Belong – đơn vị mua bán điện thoại, máy tính bảng đã qua sử dụng trên mạng của Itochu – cho rằng, 100.000 yen là “rào cản tâm lý lớn” với nhiều khách hàng. Doanh số trung bình trên website thương mại điện tử Nicosuma của Belong đã tăng 3 lần, từ khi Apple tăng giá hồi tháng 7 so với 3 tháng trước.

Sau quy trình kiểm tra, phân loại và làm sạch, Belong sẽ chụp ảnh điện thoại cũ từ nhiều góc độ để đăng bán trên mạng. Thiết bị được mua lại cả trong và ngoài nước, tùy thuộc nơi nào giá tốt nhất. Chẳng hạn, một số máy tính bảng trước đây dùng để thanh toán trong các quán café hoặc trên xe taxi.

Nhiều người dùng Nhật thường e ngại những mặt hàng secondhand, bao gồm đồ điện tử, song định kiến của họ đang dần thay đổi. Các chợ trực tuyến như Mercari ghi nhận tăng trưởng mạnh trong phân khúc smartphone cũ, doanh số đồ gia dụng và điện tử cũng tăng.

Khi Nhật Bản mở cửa đón du khách nước ngoài, thị trường iPhone cũ lại càng nhộn nhịp. Chuỗi bán lẻ Iosys cho biết, số lượng khách ngoại mua iPhone đã qua sử dụng trong 2 tháng qua tăng mạnh. “Yen tiếp tục suy yếu. Xu hướng du lịch Nhật Bản và mua iPhone đang quay lại”, CEO Iosys Takashi Okuno chia sẻ.

Du Lam (Theo Reuters)