{keywords}
 

Vào ngày 2/8/2018, Apple cũng là công ty đại chúng Mỹ đầu tiên đạt giá trị vốn hóa 1 nghìn tỷ USD. Phố Wall dự đoán nhà sản xuất iPhone sẽ là hãng đầu tiên vượt mốc 2 nghìn tỷ USD. Ngày 31/7, Apple vượt qua gã khổng lồ dầu mỏ Saudi Aramco trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới.

Cổ phiếu Apple đã tăng 60% trong năm nay bất chấp dịch bệnh Covid-19 tàn phá hàng loạt doanh nghiệp. Năm 2019, cổ phiếu Apple tăng hơn 120%. Công ty báo cáo kết quả kinh doanh quý II ấn tượng với doanh thu 59,7 tỷ USD và tăng trưởng hai chữ số cả ở bộ phận sản phẩm lẫn dịch vụ. Họ phải đóng cửa nhiều cửa hàng Apple Store trên toàn cầu, đặc biệt tại Mỹ, tuy nhiên xu hướng làm việc ở nhà và doanh số trực tuyến mạnh mẽ đã thúc đẩy toàn bộ hoạt động.

Cột mốc mà Apple vừa đạt được cho thấy CEO Tim Cook đã thành công trong việc thay đổi công ty. Các nhà đầu tư bắt đầu nhìn nhận Apple với tư cách một công ty phần mềm nhiều hơn công ty phần cứng. Mảng dịch vụ tăng trưởng rất tốt và nổi tiếng với mô hình thuê bao. Chuyên gia Logan Purk của hãng đầu tư Edward James cho biết Apple được so sánh với một số tên tuổi lớn trong làng phần mềm.

Apple tập trung vào dịch vụ từ năm 2015, khi tốc độ tăng trưởng của iPhone chững lại. Định nghĩa dịch vụ của “táo khuyết” bao gồm nhiều thứ: mua sắm iTunes, phí App Store, Apple Music, phí bản quyền, bảo hành Apple Care cho thiết bị, doanh thu từ Apple Pay… Trong 2 năm qua, Apple triển khai dịch vụ thuê bao mới để củng cố việc kinh doanh, chẳng hạn Apple News+, Apple TV+. Năm 2019, Apple giới thiệu thẻ tín dụng Apple Card hợp tác với Goldman Sachs, tích hợp trong phần mềm iPhone.

Tháng 1/2016, Apple công bố số liệu mới liên quan tới mảng dịch vụ. Khi ấy, Tim Cook nói rằng tài sản mà họ có được trong mảng này thực sự khổng lồ. Đó có lẽ là thứ mà cộng đồng đầu tư muốn và nên tập trung vào. Năm 2017, Cook đặt ra mục tiêu tham vọng cho bộ phận: Apple muốn doanh thu từ dịch vụ năm 2020 phải tăng gấp đôi năm 2016. Tim Cook không nói suông. Apple đạt thành tích này 6 tháng trước hạn chót. Trong quý II, doanh thu dịch vụ đạt 13,16 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng doanh thu.

Trước khi được nhà đầu tư nhìn nhận như công ty phần mềm, Apple là đề tài bàn tán vì họ lo rằng iPhone và iPad tương lai không bán chạy như trước. Theo Tom Forte, nhà phân tích của D.A. Davidson, vinh quang của công ty cho thấy thế mạnh độc đáo của Cook so với cố CEO Steve Jobs.

Forte nhận định phong cách của Jobs là xác định một số việc mà Apple nên làm và làm tốt hết sức có thể. Ngược lại, khi thị trường smartphone đã bão hòa, Tim Cook chỉ đơn giản hướng Apple thử nghiệm nhiều thứ khác. Dịch vụ là một trong các ví dụ xuất sắc nhất, đồng nghĩa với Apple không đơn thuần là một công ty phần cứng.

Mảng dịch vụ Apple mới bằng một nửa so với iPhone và phụ thuộc nhiều vào thiết bị. Chẳng hạn, bảo hành AppleCare hay App Store chỉ phục vụ 1,5 tỷ người dùng phần cứng Apple mà không phải Windows hay Android. App Store cũng đang chịu chỉ trích vì mức phí 30% thu của các nhà phát triển ứng dụng. Apple còn chịu áp lực từ nhà lập pháp và nhà chức trách. Gần đây, Tim Cook phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và trả lời câu hỏi về thực hành App Store.

Ngoài ra, còn một số yếu tố khác dẫn tới sự trỗi dậy mạnh mẽ của Apple. Cổ phiếu công nghệ nhìn chung hoạt động khá tốt trong mùa dịch vì các nhà đầu tư muốn tìm tới nơi trú ẩn an toàn, có khả năng tăng trưởng. Apple cũng mua lại nhiều cổ phiếu của mình.

Các nhà đầu tư đang đặt cược vào mùa thu 2020 do Apple được tin là sẽ ra mắt iPhone 12 5G đầu tiên, thúc đẩy doanh số iPhone.

Du Lam (Theo CNBC)

App Store của Apple tại Trung Quốc có nguy cơ bị đóng cửa

App Store của Apple tại Trung Quốc có nguy cơ bị đóng cửa

Tương lai chợ ứng dụng App Store của Apple tại Trung Quốc trở nên mờ mịt trong vòng xoáy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.