Nếu xảy ra, công ty vốn hoá lớn nhất thế giới sẽ gia nhập danh sách ngày càng dài các công ty công nghệ đang co lại quy mô tuyển dụng, trước đó là công ty mẹ Facebook Meta và hãng sản xuất xe điện Tesla.

Sản phẩm iPhone 13 vẫn đang rất "đắt hàng". (Ảnh: Business Insider)

Tuy nhiên, thay đổi này sẽ không áp dụng đối với tất cả các bộ phận. “Nhà Táo” vẫn theo đuổi một lịch trình ra mắt sản phẩm dày đặc trong năm 2023, đáng chú ý là mẫu tai nghe thực tế hỗn hợp, mở màn danh mục mới đầu tiên của Apple kể từ năm 2015.

“Động thái của Apple phản ánh sự giảm tốc đầu tư vào những sản phẩm mới, công ty mới. Nó cho thấy lạm phát đang là một vấn đề với những công ty này”, Kim Forrest, Giám đốc đầu tư tại Bokeh Capital Partners trụ sở Pittsburgh cho hay.

Những tháng gần đây đã dấy lên nhiều lo ngại về việc Cục dự trữ liên bang (FED) tiếp tục tăng mạnh lãi suất, nhằm ứng phó với lạm phát có thể đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái. Áp lực về giá cũng được cho là có thể khiến khách hàng hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng như smartphone.

Dữ liệu từ Canalys cho thấy, doanh số smartphone toàn cầu đã giảm 9% trong quý II/2022. Dù vậy, iPhone của Apple vẫn nằm trong số những điện thoại “đắt khách” nhất thế giới, giúp công ty chiếm 17% thị phần từ 14% cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ 2 sau gã khổng lồ Hàn Quốc Samsung.

Mẫu iPhone 13 “Nhà Táo” vẫn đang nhận được nhu cầu cao từ phía khách hàng. Samsung, dù dẫn đầu thị phần doanh số smartphone với 21%, nhưng các sản phẩm chủ yếu tập trung ở phân khúc cấp thấp A series có giá thành rẻ hơn nhiều so với iPhone 13.

Vinh Ngô (Theo Reuters, CNCB)