Mới đây, Apple đã có một bản báo cáo minh bạch về số lượng yêu cầu và số lần cung cấp dữ liệu cho Chính phủ tính từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2018.

Xếp đầu danh sách không ai khác là Trung Quốc, họ chỉ gửi cho Apple 689 yêu cầu truy cập thông tin, một số lượng rất ít, nhưng con số thiết bị ứng với nó lên đến 137.595 – lớn gấp 7 lần số thiết bị cho các yêu cầu từ Chính phủ Mỹ và chiếm một nửa trên tổng số thiết bị được yêu cầu trên toàn thế giới.

Được biết, số lượng thiết bị mà chính quyền Trung Quốc yêu cầu truy cập trong nửa cuối năm 2018 đã tăng 450% so với nửa đầu năm, với 751 yêu cầu nhưng chỉ cho 30,754 ngàn thiết bị.

Trong nửa đầu 2018, Apple cho biết đa phần các thiết bị được yêu cầu thông tin là do "gian lận bảo hiểm và điều tra các thiết bị bị đánh cắp".

Còn trong nửa cuối 2018, phần lớn "chủ yếu là dành cho các cuộc điều tra gian lận của cục quản lí thuế."

Công ty cho biết đã bàn giao một số dữ liệu nhận dạng thiết bị như số seri hoặc IMEI cho chính quyền Trung Quốc, đáp ứng 96% trong số 689 yêu cầu.

Xếp sau Trung Quốc chính là Mỹ và Đức, tổng số lượng thiết bị mà họ yêu cầu là hơn 19 ngàn.

Tại Đức, Apple cho biết "chủ yếu là dành cho các cuộc điều tra về mất cắp thiết bị", còn ở Mỹ chủ yếu là "dành cho các thiết bị bị đánh cắp và điều tra gian lận."

Theo báo cáo, Trung Quốc và Mỹ đi đầu trong số lượt yêu cầu thông tin về iTunes và tài khoản của khách hàng, gồm tên và địa chỉ, một số trường hợp còn có cả "ảnh được lưu trữ, email, sao lưu thiết bị iOS, danh bạ hoặc lịch".

Chính quyền Mỹ đã thực hiện 2.669 yêu cầu cho 9.924 tài khoản, trong khi Trung Quốc chỉ thực hiện 42 yêu cầu cho 7.154 ngàn tài khoản. Ở Mỹ, Apple chỉ cung cấp nội dung người dùng thực tế cho chưa đầy một nửa số yêu cầu, trong khi ở Trung Quốc, họ chỉ cung cấp dữ liệu phi nội dung.

Các yêu cầu thông tin tài khoản trên thế giới đã tăng đều trong vòng 5 năm gần đây, từ con số 3000 năm 2013 lên hơn 9000 vào năm 2018.

Ngoài các thông tin về tài khoản, thiết bị, Apple cho biết còn thực hiện các yêu cầu gỡ bỏ ứng dụng từ Chính phủ.

Một lần nữa, Trung Quốc lại xếp đầu, Chính phủ của họ đã thực hiện 56 yêu cầu gỡ bỏ cho 626 ứng dụng vi phạm. Và Apple đã gỡ 517 ứng dụng trong số đó.

Trên toàn thế giới, công ty đã nhận được tổng cộng 80 yêu cầu liên quan đến 770 ứng dụng và đã xóa 634 trong số này.

Đối với việc gỡ bỏ ứng dụng từ phía Trung Quốc, Apple cho hay "đại đa số liên quan đến nội dung cờ bạc hoặc khiêu dâm bất hợp pháp."

Trần Vũ Đức