{keywords}
(Ảnh: Reuters)

Theo SCMP, số lượng ứng dụng trên các “chợ” tại Trung Quốc giảm 38,5% trong ba năm qua. Năm 2021 chứng kiến các ứng dụng “bay màu” nhiều nhất, trong bối cảnh nước này siết chặt quản lý các nền tảng và nội dung Internet. SCMP đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy thị trường ứng dụng Trung Quốc đã chín muồi.

Leon Sun Qiyuan, nhà phân tích của hãng nghiên cứu EqualOcean, nhận xét thị trường dịch vụ trực tuyến Trung Quốc không còn là mảnh đất màu mỡ. “Ngành công nghiệp Internet Trung Quốc phát triển quá lâu năm, những ngày tăng trưởng khủng đã qua”.

Dù vậy, thay đổi cũng phản ánh môi trường quy định ngày càng khắt khe. Xét trên toàn cầu, dù chợ ứng dụng đã phát triển, App Store của Apple và Google Play của Google vẫn ghi nhận lượng ứng dụng tăng trong cùng kỳ. Dù Google gỡ bỏ khoảng 1 triệu ứng dụng giữa năm 2018 do thay đổi chính sách, từ tháng 12/2018 đến tháng 9/2021, số lượng ứng dụng vẫn tăng 7,6%, lên gần 2,8 triệu.

Từ tháng 1/2019, Bắc Kinh tiến hành chiến dịch đánh giá lại ứng dụng kéo dài 12 tháng, với sự tham gia của nhiều cơ quan, như Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), Cục Quản lý Không gian mạng (CAC), Bộ Công An, Cục Quản lý nhà nước về Cơ chế thị trường.

Năm 2019, khoảng 850.000 ứng dụng bị xóa sổ, đến năm 2020, con số này là 220.000. Song, từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2021, khoảng 670.000 ứng dụng biến mất. Hàng loạt nhà phát triển bị yêu cầu thay đổi các hành vi như thu thập dữ liệu.

Vào tháng 7, MIIT công bố chiến dịch “thanh lọc” Internet kéo dài 6 tháng. Tổng cộng 220.000 ứng dụng bị xóa chỉ riêng trong tháng.

Giống như nhiều quốc gia khác, game vẫn chiếm ưu thế trên các chợ ứng dụng Trung Quốc, cứ 4 ứng dụng lại có 1 game video. Song, số lượng game ở đây vẫn giảm từ 909.000 vào tháng 12/2019 xuống 679.000 vào tháng 10/2021. Để so sánh, game trên App Store Mỹ tăng từ chưa tới 820.000 tháng 12/2018 lên hơn 1 triệu trong tháng này.

Nhà chức trách Trung Quốc không phê duyệt bất kỳ game mới nào kể từ tháng 7. Vào tháng 8, Cục Quản lý báo chí và xuất bản – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý game và các hình thức giải trí trực tuyến khác – ban hành quy định giới hạn thời gian chơi game cho người dưới 18 tuổi. Cụ thể, game thủ dưới 18 tuổi chỉ được chơi game từ 20h đến 21h vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ. Đây là biện pháp cứng rắn nhất nhằm xử lý vấn nạn nghiện game của người trẻ.

Năm nay, Trung Quốc tập trung vào xử lý tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân trái phép, đòi hỏi truy cập quá mức vào thiết bị người dùng hay chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba khi không được phép. Nó trùng khớp với động thái siết chặt luật và quy định liên quan tới dữ liệu và thông tin cá nhân của chính phủ. Luật Bảo vệ thông tin cá nhân và Luật An toàn dữ liệu có hiệu lực tương ứng từ tháng 9 và tháng 10.

Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng thể hiện lập trường cứng rắn với các nhà phát triển ứng dụng. MIIT thường xuyên “bêu” tên các ứng dụng vi phạm. Chẳng hạn, tháng trước, MIIT yêu cầu Tencent ngừng cập nhật ứng dụng và phát hành mới nếu không được phép. Dù vậy, Tencent mới đây được bật “đèn xanh” để nâng cấp 9 ứng dụng.

Các bộ ngành khác cũng có quyền đóng cửa ứng dụng. Ví dụ, CAC yêu cầu các chợ ứng dụng gỡ bỏ hàng chục ứng dụng của Didi Chuxing, chỉ hai tuần sau khi công ty này lên sàn chứng khoán New York bất chấp cảnh báo của cơ quan quản lý.

Trung Quốc vẫn có thêm các ứng dụng mới nhưng không đủ bù đắp số lượng đã bị xóa. Vào tháng 10, các chợ ứng dụng đón thêm khoảng 100.000 ứng dụng, tăng từ 60.000 hồi tháng 9 và 30.000 hồi tháng 8. Tuy nhiên, số lượng ứng dụng bị gỡ vào tháng 10 là 130.000, tháng 9 là 140.000 và tháng 8 là 120.000.

Du Lam (Theo SCMP)

10 công ty vốn hoá lớn nhất thế giới: Vắng bóng Trung Quốc

10 công ty vốn hoá lớn nhất thế giới: Vắng bóng Trung Quốc

Danh sách các công ty vốn hoá lớn nhất thế giới chứng kiến sự thống trị của các công ty công nghệ Mỹ và vắng bóng đại diện từ Trung Quốc.