Chủ tịch Công ty Ba Huân chia sẻ, Ba Huân muốn trở thành tấm gương doanh nghiệp phát triển nhờ công nghệ. 

Mới đây, FPT và Công ty Cổ phần Ba Huân chính thức hợp tác chuyển đổi số toàn diện, giúp Ba Huân hiện thực hóa tầm nhìn trở thành công ty công nghệ cao và bền vững.

Theo thoả thuận hợp tác, FPT sẽ tư vấn cho Ba Huân - doanh nghiệp hàng đầu về chăn nuôi tại Việt Nam lựa chọn các giải pháp số phù hợp cho tất cả lĩnh vực hoạt động: chăn nuôi, sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, FPT tư vấn Ba Huân xây dựng và số hóa sản phẩm; Quản trị sản xuất tự động; Quản trị nguồn lực; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…

Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Công ty khẳng định, đây là sự hợp tác mang tính bước ngoặt của Ba Huân trong hành trình “chuyển mình" từ một doanh nghiệp nông nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp nông nghiệp số. Việc hợp tác giúp Ba Huân chuyển đổi số toàn diện, tinh gọn bộ máy vận hành, giúp ban lãnh đạo sâu sát hơn trong khâu quản trị.

Bà Huân cho biết thêm, hệ thống này giúp công ty quản lý khâu chăn nuôi từ trang trại giống, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi trồng và thu hoạch trứng đến nhà máy sản xuất thức ăn chế biến và quản lý việc phân phối sản phẩm. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận lợi hơn, FPT sẽ xây dựng cổng thông tin tương tác với các đại lý bán hàng. Hệ thống của FPT giúp Ba Huân nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh toàn chuỗi, giảm chi phí vận hành xuống mức thấp nhất.

Bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch Công ty Ba Huân 

Hiện Ba Huân là một trong những nhà cung cấp trứng gia cầm lớn nhất trong cả nước với thị phần ước tính khoảng 30%. Riêng tại TP HCM, Ba Huân cung cấp khoảng 1 triệu quả trứng gia cầm mỗi ngày.

Bà Huân cho hay, cách đây 10 năm, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã “ngỏ lời” hỗ trợ Ba Huân chuyển đổi số. Bà chưa dám nhận lời vì quy mô công ty nhỏ, nhân sự cũng chưa đủ năng lực công nghệ để đáp ứng mô hình chuyển đổi số toàn diện. Chuyển đổi số trước hết là ở con người, người vận hành. Đến nay, đội ngũ Ba Huân tự tin có thể đáp ứng được, để tự tin "bắt tay anh Trương Gia Bình làm công nghệ”.

“Nhà máy Ba Huân đã chuyển đổi máy móc thiết bị áp dụng công nghệ tự động, phần nào khởi đầu thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số toàn diện. Tôi nghĩ rằng tương lai, tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp, phải thay đổi, phải chuyển đổi số để phát triển lâu dài”, bà Ba Huân cho biết. “Sau này các bạn trẻ tiếp quản doanh nghiệp, không thể tiếp quản một doanh nghiệp lạc hậu”.

 Với quyết định táo bạo, nhà lãnh đạo nữ tuổi 70 này cho rằng, bà không đặt nhiều vào doanh thu, lợi nhuận mà mong muốn Ba Huân sẽ làm gương đi đầu để doanh nghiệp nông nghiệp khác chuyển đổi theo.

“Việt Nam là nước nông nghiệp, tài nguyên vô giá nhưng người nông dân còn thiệt thòi vì chưa tiếp cận được tiến bộ khoa học công nghệ. Ba Huân muốn làm gương: một doanh nghiệp phát triển từ một bà buôn gánh bán bưng mà còn quyết tâm chuyển đổi số, thì tại sao các doanh nghiệp khác không làm”, bà nói.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh, công nghệ hóa mô hình kinh doanh truyền thống là xu hướng của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây. Ngoài việc đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, thì hiện đại hoá hệ thống quản trị là điều cốt lõi của quá trình chuyển đổi số.

Đặc biệt, ứng dụng giải pháp công nghệ sẽ trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho doanh nghiệp khi tạo ra những bước nhảy vọt về vận hành và kinh doanh. Theo anh, nền nông nghiệp Việt Nam nếu muốn vượt châu Âu cần có công nghệ thông tin. Máy móc có thể mua lại từ châu Âu, nhưng khác biệt chính là công nghệ thông tin. Chuyển đổi số trước hết ở con người. Người Việt Nam luôn có suy nghĩ khác biệt, sáng tạo sẽ là điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số. Chuyển đổi số giúp tăng trưởng ngay trong khó khăn.

"Chuyển đổi số chắc chắn sẽ là động lực giúp Ba Huân có thêm sức mạnh để đi nhanh hơn, tạo nên nhiều cơ hội phát triển hơn cho người nông dân và những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam", anh Bình nói.

Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital, dẫn chứng với một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy hải sản, bài toán đặt ra là làm thế nào để có thể quản lý nguồn cung một cách ổn định, chất lượng cao và đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.

Do vậy, việc chuyển đổi số ở đây được tập trung trong việc thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu thời gian thực từ vùng nuôi cho đến toàn bộ chuỗi cung ứng để đảm bảo sự ổn định trong hoạt động sản xuất. Toàn bộ dữ liệu này sẽ được phân tích, từ đó đưa ra các dự báo giúp nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong toàn bộ chu trình nuôi trồng - chế biến - bán hàng.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp chuyển dịch từ các mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh số, khởi tạo các giá trị mới thông qua sự liên kết chặt chẽ với đối tác, hệ sinh thái, giúp làm giàu và nâng cao giá trị sản phẩm dịch vụ thông qua công nghệ số, hướng tới việc phát triển bền vững.