{keywords}

Ngoài yếu tố về chất lượng đường truyền, thiết bị công nghệ thì nhiều giáo viên lo ngại về tính bảo mật của các phần mềm dạy học trực tuyến. (Ảnh minh họa: Internet)

Dạy - học trực tuyến là phương án tối ưu trong mùa dịch bệnh nhưng ngay trong quá trình triển khai, hình thức này cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Sự thiếu thống nhất, đồng bộ khi triển khai dạy - học trực tuyến đã làm khó nhà trường, giáo viên và cả học sinh. Ngoài những yếu tố về chất lượng đường truyền, thiết bị công nghệ thì nhiều giáo viên bày tỏ lo ngại về tính bảo mật của các phần mềm dạy học trực tuyến.

Khâu tổ chức dạy học trực tuyến chủ yếu dựa vào năng lực, kinh nghiệm của lãnh đạo nhà trường và thực tế đã chứng minh có trường dạy trực tuyến kém hiệu quả do trình độ CNTT của hiệu trưởng, hiệu phó còn hạn chế. Do chưa được tập huấn cũng như không có khung chương trình, giáo án nên các giáo viên phải tự mày mò, sáng tạo hình thức dạy học. Một số thày cô giáo lớn tuổi phải nhờ con cháu dạy cách vào Zalo hay những phần mềm khác để dạy học sinh.

Trước đây, việc ứng dụng CNTT chủ yếu dừng ở trình chiếu trên lớp học trực tuyến nên khi bước vào môi trường dạy học trực tuyến, thầy cô sẽ bỡ ngỡ. Vì vậy, công tác tập huấn các kỹ năng sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến là rất quan trọng. Khi đã có kỹ năng điều hành một lớp học trực tuyến, giáo viên sẽ tự tin và chủ động ứng phó với các tình huống.

Trong khi đó, ý thức của một bộ phận học sinh - sinh viên (HSSV) còn kém, cố tình lộ thông tin lớp học online cho kẻ xấu phá hoại, đăng hình nhạy cảm, nhắn tin quấy rối.

Trước mối lo mất an toàn của các lớp học trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đề nghị các đơn vị, nhà trường tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, HSSV và phụ huynh trong dạy học qua Internet. Đồng thời giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT giới thiệu sử dụng miễn phí trong mùa dịch; xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên, trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.

Ngoài ra, các đơn vị, nhà trường cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến; đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành thời gian hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian con em học trực tuyến.

Trước tình trạng học sinh làm lộ ID, mật khẩu của lớp học để người lạ “phá” lớp,  Bộ GD&ĐT yêu cầu nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, học sinh, phụ huynh cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Với người học, quy định bắt buộc phải dùng tên thật, tuyệt đối không bình luận hay có các hành vi khác làm ảnh hưởng tới lớp học. Người học chịu trách nhiệm bảo vệ tài khoản cá nhân; tuyệt đối không chia sẻ tài khoản và mật khẩu lớp học cho người khác.

Ngoài ra, các chuyên gia bảo mật khuyên người dùng nên cẩn trọng khi sử dụng các ứng dụng học trực tuyến, đồng thời áp dụng các biện pháp an toàn như luôn cập nhật phần mềm lên phiên bản mới nhất; sử dụng mật khẩu cho các cuộc họp; sử dụng tính năng Phòng chờ - Waiting room để kiểm soát người tham gia; tắt tính năng chia sẻ màn hình của thành viên…

Đ.P

Dạy học online và những thách thức 'có thể vượt qua'

Dạy học online và những thách thức 'có thể vượt qua'

Việc triển khai dạy học trực tuyến trong điều kiện mới được học sinh, phụ huynh và giáo viên nhìn nhận sẽ có những thách thức. Tuy nhiên, đó là những thách thức có thể vượt qua.