Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bài toán tăng cường an ninh mạng luôn là vấn đề khiến các chủ doanh nghiệp đau đầu. Nếu bỏ qua công tác bảo mật trên không gian mạng, thiệt hại có thể là không đo đếm được. Ngược lại, nếu tăng cường đầu tư an toàn thông tin, bài toán chi phí lại khiến doanh nghiệp phải đắn đo cân nhắc.

Một trong các giải pháp hiện được các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều thời gian gần đây là bảo mật điện toán đám mây (gọi tắt là bảo mật đám mây), nhờ ứng dụng công nghệ để bảo mật IP, dữ liệu, dịch vụ, hạ tầng mạng trên nền điện toán đám mây.

Bảo mật đám mây là gì?

Bảo mật trong đám mây cũng giống như bảo mật trong các trung tâm dữ liệu vật lý, nó khác ở chỗ bạn sẽ không tốn các chi phí duy trì cơ sở vật chất và phần cứng. Trong đám mây, bạn không phải quản lý các máy chủ vật lý hoặc thiết bị lưu trữ. Thay vào đó, bạn sử dụng các công cụ bảo mật dựa trên phần mềm để giám sát và bảo vệ luồng thông tin vào và ra khỏi tài nguyên đám mây của mình.

Thực tế, vẫn tồn tại dữ liệu được bảo mật trong các trung tâm dữ liệu vật lý của nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Khác biệt là, những nhà cung cấp này có những tiêu chuẩn bảo mật khắt khe, bộ nhớ khổng lồ để đảm bảo khả năng lưu trữ mở rộng trên cơ sở dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, có thể mở rộng quy mô nhanh chóng mà chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng thấp. 

{keywords}
Bảo mật đám mây giảm 22% nguy cơ bị tấn công so với bảo mật tại chỗ, theo Delta Risk

Những nhà cung cấp lớn nhất thế giới như Alibaba Cloud, Amazon Web Services, Microsoft Azure hay Oracle Cloud đang cùng nhau chia sẻ miếng bánh của thị trường trị giá 34,5 tỷ USD trong năm 2020, được dự báo tăng lên 68,5 tỷ USD vào năm 2025, theo M&M. 

Chừng đó là quá đủ để thấy sức hấp dẫn của điện toán đám mây nói chung và bảo mật đám mây nói riêng. Tại Việt Nam, Viettel hay VCCorp đang là những đơn vị triển khai mạnh mẽ các giải pháp bảo mật đám mây, dù phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hiểu được vai trò thiết yếu của dịch vụ này.

Bảo mật đám mây như thế nào?

Một ưu điểm của bảo mật đám mây là không sử dụng phần cứng, không cần cài đặt mà chỉ cần cấu hình. Do đó, khách hàng là những doanh nghiệp có thể sẽ khó hình dung ra cách thức mà bảo mật đám mây hoạt động.

Hiện nay, các phương pháp để bảo mật đám mây bao gồm tường lửa (firewall), kiểm tra sự thâm nhập, mã hóa, mã thông báo, công nghệ tokenization (tự động mã hóa thành những dãy ký tự đặc biệt), mạng riêng ảo và tránh kết nối Internet công cộng.

Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), bị khai thác các lỗ hổng bảo mật. Quan trọng hơn, với bảo mật đám mây, các lớp bảo vệ sẽ được dựng lên một cách có hiệu quả, các bản cập nhật sẽ được update liên tục mà không đòi hỏi nhân sự quản trị mạng phải cập nhật.

{keywords}
Bảo mật đám mây cung cấp báo cáo thời gian thực về những lỗ hổng, cảnh báo rủi ro

Tất nhiên, bảo mật đám mây không phải chiếc lá chắn vô song. Vẫn có những mối đe dọa mất an toàn đám mây như tấn công dữ liệu, mất dữ liệu, chiếm đoạt tài khoản, chiếm quyền điều khiển lưu lượng dịch vụ, giao diện chương trình ứng dụng không an toàn, lựa chọn các nhà cung cấp lưu trữ đám mây kém và công nghệ chia sẻ, có thể làm tổn hại đến bảo mật điện toán đám mây.

Các cuộc tấn công DDoS là một mối đe dọa khác đối với bảo mật điện toán đám mây. Nhưng đích ngắm ở đây là đánh sập một dịch vụ bằng cách làm tài khoản dữ liệu tràn ngập để người dùng không thể truy cập vào tài khoản của họ, chẳng hạn như tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản email.

Dù vậy, bảo mật đám mây vẫn là lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp sử dụng cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS), nền tảng dưới dạng dịch vụ (PaaS) và phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS). Tất nhiên, để lựa chọn bảo mật đám mây phù hợp, doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu và tư vấn kỹ càng từ chính nhân sự quản trị mạng am hiểu về hạ tầng của công ty.

Phương Nguyễn

Bảo mật điện toán đám mây và bảo mật tại chỗ khác nhau thế nào?

Bảo mật điện toán đám mây và bảo mật tại chỗ khác nhau thế nào?

Doanh nghiệp phải gánh toàn bộ trách nhiệm bảo mật đối với hạ tầng tại chỗ, nhưng có thể đẩy gần như toàn bộ gánh nặng sang nhà cung cấp khi chuyển lên mô hình đám mây.