Bốn nhà nghiên cứu điều tra nhóm hacker Lapsus$ theo yêu cầu của các công ty bị tấn công. Họ tin rằng thiếu niên 16 tuổi đang sống cùng mẹ tại Oxford (Anh) chính là bộ não đứng sau tổ chức tin tặc khét tiếng.

Lapsus$ gây bất ngờ cho các chuyên gia an ninh mạng khi thừa nhận hàng loạt vụ tấn công nghiêm trọng. Động cơ tấn công chưa rõ ràng, song vài nhà nghiên cứu nhận định mục đích cuối cùng là tiền và sự nổi tiếng.

Thiếu niên bị tình nghi đứng sau một số vụ tấn công lớn của Lapsus$, song các chuyên gia chưa thể kết luận cậu có liên quan tới mọi vụ hack hay không. Họ đã sử dụng các bằng chứng pháp y từ những vụ tấn công mạng cũng như thông tin công khai để tìm ra nghi phạm.

Theo Bloomberg, thiếu niên 16 tuổi có biệt danh “White” và “breachbase” trên mạng và chưa từng bị nhà hành pháp nêu tên.

{keywords}
Microsoft là một nạn nhân của nhóm tin tặc Lapsus$.

Một thành viên khác của Lapsus$ có thể là một thiếu niên đang sống tại Brazil. Một điều tra viên cho biết họ phát hiện 7 tài khoản không trùng lắp gắn với nhóm tin tặc, ám chỉ còn những người khác tham gia vào các hoạt động của nhóm.

Kỹ năng tấn công của nghi phạm tuổi teen thành thục và tốc độ tới mức các nhà nghiên cứu ban đầu nghĩ rằng họ đang quan sát một thứ được lập trình sẵn.

Lapsus$ không ngại làm bẽ mặt các nạn nhân trước công chúng và rò rỉ mã nguồn, tài liệu nội bộ của họ. Khi tiết lộ đã tấn công Okta, chúng khiến công ty rơi vào một cuộc khủng hoảng truyền thông.

Thậm chí, Lapsus$ còn tham gia vào các cuộc gọi Zoom của những doanh nghiệp mà chúng xâm nhập, nơi chúng chế nhạo nhân viên và cố vấn – những người đang cố gắng dọn dẹp hậu quả của vụ tấn công mạng.

Microsoft xác nhận bị Lapsus$ “ghé thăm”. Trong blog, hãng phần mềm chỉ ra Lapsus$ (DEV-0537) thực hiện “chiến dịch tống tiền quy mô lớn chống lại các doanh nghiệp lớn”. Công thức chủ yếu của nhóm là tấn công các công ty, đánh cắp dữ liệu và đòi tiền chuộc. Cũng theo Microsoft, nhóm đã thành công khi mua chuộc người nội bộ của các tổ chức để hỗ trợ hoạt động xâm phạm.

Dù vậy, các chuyên gia cho biết, nhóm này bảo mật hoạt động khá kém, giúp cho họ tìm ra tung tích của các hacker tuổi teen. “Không giống với hầu hết các nhóm trong tầm ngắm, DEV-0537 dường như không che giấu hành tung của chúng. Chúng còn thông báo các vụ tấn công trên mạng xã hội, quảng cáo ý định mua thông tin đăng nhập từ nhân viên của các tổ chức mục tiêu. DEV-0537 bắt đầu từ những tổ chức tại Anh và Nam Mỹ rồi mở rộng ra toàn cầu, bao gồm các tổ chức chính phủ, công nghệ, viễn thông, bán lẻ và y tế”, Microsoft viết trên blog.

Các đối thủ của hacker 16 tuổi tại Anh đã đăng thông tin cá nhân, bao gồm địa chỉ và bố mẹ, lên mạng. Ngôi nhà mà nghi phạm sống với mẹ có diện tích khiêm tốn, nằm trên một con phố yên tĩnh, cách Đại học Oxford vài dặm.

Khi trao đổi với Bloomberg, bà mẹ nói không biết gì về các cáo buộc đối với con mình hay thông tin bị đăng trên mạng. Bà cảm thấy phiền vì ảnh và video nhà mình và nhà chồng bị đưa lên. Bà từ chối nói về con trai hay cho con trả lời phỏng vấn.

Ngoài Microsoft và Okta, Lapsus$ còn tuyên bố đã tấn công Samsung, Vodafone, Ubisoft. Sau khi xâm phạm Nvidia, Lapsus$ đăng mã nguồn đánh cắp được trên kênh Telegram của mình. Ngoài ra, nhóm thông báo sẽ “rửa tay gác kiếm” một thời gian sau vụ tấn công Okta.

“Vài thành viên của chúng tôi sẽ đi nghỉ đến ngày 30/3/2022. Chúng tôi sẽ nằm im một thời gian”, nhóm viết trên kênh Telegram. “Cảm ơn đã thấu hiểu, chúng tôi sẽ cố gắng rò rỉ mọi thứ sớm nhất có thể”.

Du Lam (Theo Bloomberg)

Nhóm hacker khét tiếng công bố 47GB mã nguồn nghi của Microsoft

Nhóm hacker khét tiếng công bố 47GB mã nguồn nghi của Microsoft

Lapsus$ tuyên bố đã tung ra mã nguồn của Bing, Cortana và các dự án khác đánh cắp được từ máy chủ nội bộ Azure DevOps của Microsoft.