Nhận định trên vừa được ông Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục ATTT, Bộ TT&TT cho biết tại tọa đàm trực tuyến “Đào tạo nguồn nhân lực ATTT trong bối cảnh mới” được tạp chí ATTT tổ chức chiều ngày 17/1.

3 thách thức lớn với đào tạo ATTT trong bối cảnh mới

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, không gián đoạn chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng, từ tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 21 phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025 (còn gọi là Đề án 21).

{keywords}
Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục ATTT, Bộ TT&TT trao đổi tại tọa đàm trực tuyến ngày 17/1.

Bàn về những thách thức với việc triển khai Đề án 21 trong bối cảnh mới, ông Trần Đăng Khoa cho hay: Thách thức đầu tiên có thể kể đến chính là sự thay đổi liên tục của công nghệ. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT cũng phải liên tục thay đổi để có thể đáp ứng, theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số và công nghệ số.

Thách thức tiếp theo đến từ việc thu hút nguồn nhân lực lựa chọn và theo đuổi chuyên ngành ATTT. Đây là lĩnh vực khó, đòi hỏi người học, người làm phải có năng lực thực sự, có đam mê, đồng thời phải liên tục rèn luyện, trau dồi, cập nhật kiến thức thì mới đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Thách thức lớn nữa là đến từ nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương. “Theo tôi đây là vấn đề quan trọng nhất. Các chuyên gia ATTT đã chỉ ra rằng, nhận thức và hành động là 2 yếu tố quyết định mọi vấn đề trong ATTT. Khi một cơ quan, tổ chức nhận ra được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thông tin cũng như công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT và quyết định hành động, thì họ mới tìm ra được cách giải quyết các vấn đề còn lại”, ông Trần Đăng Khoa chia sẻ quan điểm.

Đại diện Cục ATTT cho rằng, để đào tạo, phát triển tốt nguồn nhân lực ATTT, chúng ta cần nhìn ra thế giới, không ngừng học hỏi để hoàn thiện thêm. ATTT giờ đây là vấn đề toàn cầu, không còn là vấn đề của 1 quốc gia hay 1 tổ chức. Các cơ sở đào tạo cần có sự tăng cường hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo quốc tế của các quốc gia khác. Đồng thời, cần tiếp cận theo hướng toàn diện, gắn đào tạo với thực tế, có sự liên kết chặt chẽ giữa bên cung - các cơ sở đào tạo và bên cầu - các cơ quan, tổ chức có nhu cầu nhân lực để tổ chức, tuyển sinh và đào tạo.

{keywords}
Đại diện Cục ATTT nhấn mạnh: Đào tạo ngắn hạn về ATTT cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước với 10.000 lượt trong 5 năm là nhiệm vụ rất quan trọng và nhiều thách thức (Ảnh minh họa)

Đề cập đến 1 trong 6 mục tiêu cơ bản, được cho là khá tham vọng của Đề án 21 là tổ chức 10.000 lượt đào tạo ngắn hạn về ATTT cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước trong 5 năm từ 2021 - 2025, đại diện Cục ATTT khẳng định đây là nhiệm vụ rất quan trọng và nhiều thách thức nhưng cũng là nhiệm vụ hoàn toàn khả thi. Cụ thể, để thực hiện mục tiêu này, Đề án đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng như: Đẩy mạnh đầu tư các hệ thống công nghệ phục vụ công tác đào tạo; Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch, ưu tiên kinh phí để tổ chức triển khai hằng năm; Huy động nguồn lực xã hội hóa.

“Là cơ quan được giao chủ trì thực hiện Đề án 21, Cục ATTT là cơ quan đang tích cực, chủ động triển khai kế hoạch đào tạo và hướng dẫn, điều phối các bộ, ngành, địa phương cùng triển khai đồng bộ. Với nỗ lực và sự quyết tâm của các cơ quan, tổ chức, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng kết quả có thể tốt hơn so với mục tiêu đặt ra”, đại diện Cục ATTT cho biết.

Đào tạo nhân lực ATTT định hướng công dân toàn cầu

Trao đổi tại tọa đàm trực tuyến, ở góc độ của 1 cơ sở đào tạo trọng điểm về ATTT, ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực ATTT định hướng công dân toàn cầu.

{keywords}
Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến về đào tạo nhân lực ATTT.

Cụ thể, nhiều giải pháp đã và sẽ được Học viện tập trung triển khai để hiện thực hóa định hướng trên, trong đó mục tiêu đầu tiên mà Học viện đặt ra là đến năm 2025, có tối thiểu 25% giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh. “Điều này thể hiện sự quyết tâm đưa ngoại ngữ trở thành kỹ năng nền tảng cho sinh viên, buộc cả thầy và trò đều phải nâng cao trình độ ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu hội nhập”, ông Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ.

Cùng với đó, Học viện từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo, hướng đến các chuẩn đầu ra của các phân lớp kỹ sư tiệm cận dần với các tiêu chuẩn kỹ sư CNTT phổ biến trên thế giới, như chuẩn kỹ sư CNTT Nhật Bản. Đào tạo định hướng để học viên, sinh viên đạt được các chứng chỉ quốc tế về CNTT, ATTT, tiếng Anh đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Đồng thời, Học viện cũng sẽ kết nối hỗ trợ sinh viên các năm cuối tham gia kiến tập, thực tập, tập sự tại các doanh nghiệp có môi trường làm việc hiện đại và có tính hội nhập quốc tế cao. “Một hình mẫu nổi bật và hiệu quả là sự hợp tác của Học viện với tập đoàn Samsung tại Việt Nam trong vấn đề này”, ông Nguyễn Hữu Hùng nêu dẫn chứng. 

Vân Anh

Đào tạo lực lượng chuyên gia ATTT nòng cốt để bảo vệ Chính phủ số

Đào tạo lực lượng chuyên gia ATTT nòng cốt để bảo vệ Chính phủ số

Một điểm mới của Đề án “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin (ATTT) giai đoạn 2021-2025” so với giai đoạn trước là việc lựa chọn, tổ chức đào tạo 200 chuyên gia ATTT để bảo vệ các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước.