Ông Sơn Nguyễn – Phó chủ tịch phụ trách Giải pháp và dịch vụ của Cloud4C, một công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây có văn phòng tại Singapore - đánh giá quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên điều này đồng thời gia tăng các mối đe doạ an ninh mạng, đặc biệt là các vụ tấn công đòi tiền chuộc (ransomware).

{keywords}
Doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng trước các nguy cơ bảo mật khi chuyển đổi số. (Ảnh: thirdway)

Ông Sơn cho hay, kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, quá trình số hoá của các doanh nghiệp càng được đẩy nhanh, dẫn đến các mối đe doạ ransomware càng trầm trọng hơn.

Càng nhiều doanh nghiệp và người dùng sử dụng công nghệ trực tuyến thì lực lượng tin tặc càng có nhiều cơ hội mở rộng các cuộc tấn công, nhằm mục đích chiếm dụng và trục lợi. 

Vào năm 2020, ông Sơn dẫn số liệu cho thấy có tới 5.100 cuộc tấn công mạng được ghi nhận tại Việt Nam và nền kinh tế phải gánh chịu tổn thất lên đến 1 tỷ USD. Dự báo hậu quả năm 2021 sẽ vượt qua con số của năm trước khi chỉ mới tính đến tháng 7 đã có 3.900 trường hợp được ghi nhận. 

“Bài học chỉ ra rằng, hãy triển khai chuyển đổi số một cách cẩn trọng - nếu không hậu quả sẽ khôn lường”, đại diện Cloud4C đưa lời khuyên.

Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần nâng cao mức cảnh giác với những cuộc tấn công mạng nếu không muốn gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. 

Đặc biệt trong xu thế hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sử dụng điện toán đám mây để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ông Sơn nhấn mạnh các tổ chức cần bảo mật các điểm cuối của các thiết bị một cách mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ cũng như chống lại phần mềm tống tiền. Vì các chương trình ransomware cũng có thể tận dụng tính chất kết nối luôn mở, nâng cao của đám mây để tăng khả năng lây lan. 

Ví dụ, một phần mềm hoặc ứng dụng độc hại trên thiết bị bị nhiễm độc có thể yêu cầu quyền truy cập vào đám mây của tổ chức. Sau khi được cấp, chương trình sau đó có thể mã hóa dữ liệu trực tiếp trên đám mây và thậm chí chuyển sang những người dùng được kết nối khác, từ đó cuộc tấn công nhanh chóng được nhân lên với tốc độ chóng mặt gây ra thiệt hại khổng lồ với doanh nghiệp. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp và tổ chức thường xuyên xử lý dữ liệu nhạy cảm và quan trọng hoặc cần truy cập dữ liệu một cách liên tục là đối tượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ - và có nhiều khả năng trở thành mục tiêu của ransomware hơn.  

Một trường hợp tại Mỹ là Colonial Pipeline, hệ thống đường ống lớn nhất của Hoa Kỳ với các sản phẩm dầu tinh chế, đã phải đóng toàn bộ đường ống vào năm 2021 do hệ thống công nghệ thông tin của công ty bị tấn công, gây ra sự gián đoạn lớn trong việc phân phối khí đốt. Chỉ một ngày sau, công ty đã phải chi trả 5 triệu USD tiền chuộc. 

Nhưng việc đồng ý chi tiền chuộc không phải lúc nào cũng đổi lại được kết quả như mong đợi - 33% công ty bị tấn công bằng ransomware trên toàn cầu vào năm 2019 đã quyết định thực hiện phương án chi tiền chuộc nhưng có tới 22% trong số đó không bao giờ lấy lại được quyền truy cập dữ liệu và 9% thậm chí phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công hơn.

Tại Việt Nam dù chưa ghi nhận những sự vụ đơn lẻ có thiệt hại hàng triệu USD, nhưng ông Sơn cho rằng không phải vì thế mà doanh nghiệp lơ là.

Nền kinh tế số Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển một cách thần tốc, và sẽ kéo theo nguy cơ tiềm ẩn từ các cuộc tấn công mạng. 

Chẳng hạn vào năm 2017, cuộc tấn công từ ransomware có tên WannaCry năm đã xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát trên hơn 1.900 thiết bị tại Việt Nam và buộc các hãng phải trả hàng nghìn USD để khôi phục cơ sở dữ liệu. 

Năm 2019, Việt Nam có tỷ lệ gặp phải ransomware cao nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, và mức thiệt hại tính trung bình có thể lên đến 900 triệu USD được ghi nhận từ cuộc tấn công mạng này.  

Để hạn chế việc bị tấn công bởi ransomware, các doanh nghiệp cần có biện pháp bảo vệ hệ thống CNTT, có cơ chế bảo mật email, đồng thời bảo mật các thiết bị cá nhân có kết nối vào cơ sở dữ liệu.

Mã độc tống tiền (ransomware) là một trong những loại tội phạm mạng khét tiếng nhất. Nói một cách đơn giản, mã độc tống tiền là một đoạn mã độc hại tấn công thông qua email, văn bản, cửa sổ quảng cáo hoặc các hình thức liên lạc khác mà tưởng chừng như vô hại. 

Điều khiến ransomware trở nên nguy hiểm là nó không chỉ dừng lại ở việc xâm nhập hoặc làm hỏng các tệp và thiết bị. Sau khi ransomware có được quyền truy cập vào một thiết bị hoặc cơ sở dữ liệu - thường thông qua hình thức giả mạo là một tệp hoặc liên kết đáng ngờ - nó khiến cho bất kỳ ai không nắm được mật khẩu khoá chính xác đều không thể truy cập được vào dữ liệu quan trọng. 

Tin tặc sẽ từ đó yêu cầu một khoản tiền chuộc “cắt cổ” cho mật khẩu mở khóa và việc không thanh toán trong thời hạn chúng đưa ra thường sẽ dẫn đến việc dữ liệu bị phá hủy hoặc bị tung ra ngoài một cách công khai. Điều này có thể gây ra những hậu quả thảm khốc như vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của người dùng và/hoặc làm lộ bí mật thương mại.

Hải Đăng

Microsoft: Tỷ lệ lây nhiễm malware và ransomware gia tăng

Microsoft: Tỷ lệ lây nhiễm malware và ransomware gia tăng

Theo các chuyên gia, tỷ lệ nhiễm malware ở châu Á Thái Bình Dương đang gia tăng trong 18 tháng qua. Tại Việt Nam, tỷ lệ lây nhiễm mà Microsoft đo được là 7%.