Cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” lần thứ nhất dành cho đối tượng học sinh THCS vừa được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) chính thức phát động.

Cuộc thi nhằm mục đích tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho các học sinh, phụ huynh trên cả nước, qua đó tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng. 

{keywords}
Lễ phát động và mở hệ thống thi chính thức “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 diễn ra ngày 3/3.

Thời gian triển khai công tác tổ chức cho cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 đã được bắt đầu từ tháng 6/2021 và dự kiến kết thúc vào tháng 4/2022. Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức tại Hà Nội theo hình thức kết hợp offline – online vào đầu tháng 4/2022.

Trước khi được phát động và mở hệ thống thi chính thức, Ban tổ chức cuộc thi đã triển khai cho các thí sinh ôn luyện, thi thử. Theo thống kê, tổng số tài khoản đăng ký trên hệ thống thi trực tuyến “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 tại trang thihsattt.vn là 80.000 tài khoản.

Từ ngày 16/2 đến ngày 2/3, đã có đông đảo học sinh của hơn 2.000 trường THCS thuộc 63 tỉnh, thành phố truy cập vào website đăng ký thi, với tổng số 60.000 lượt thi thử. Ba địa phương có nhiều thí sinh đăng ký và tham gia thi thử là Hà Nội, Hải Phòng và Bắc Ninh.

Kể từ sáng ngày 3/3, hệ thống thi chính thức cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 đã được mở. Trong thời gian từ nay đến hết ngày 24/3, các thí sinh đã có thể làm bài thi chính thức của mình.

Để làm bài thi, theo hướng dẫn của Ban tổ chức, sau khi đăng ký tài khoản và đăng nhập thành công vào hệ thống thi trực tuyến tại địa chỉ thihsattt.vn, thí sinh bấm nút “Vào thi”.

{keywords}
Giao diện để thí sinh thi chính thức.

Thí sinh bấm nút Làm bài để thi chính thức. Theo quy chế, mỗi thí sinh chỉ đăng ký 1 tài khoản để dự thi theo mẫu đăng ký trên website. Thí sinh chỉ được thi 1 lần và có thể tham gia thi vào bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 3/3/2022 đến 24h ngày 24/3/2022.

{keywords}
Đề thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm, với thời gian làm bài 30 phút.

Bài thi gồm 24 câu hỏi trắc nghiệm do hệ thống thi cung cấp ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi. Thời gian làm bài của thí sinh là 30 phút. Nội dung đề thi là các kiến thức, kỹ năng phòng chống nguy cơ mất an toàn thông tin, phòng chống xâm hại trẻ em và kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng; các kiến thức về quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng...

Mỗi câu hỏi sẽ có các phương án trả lời kèm theo, thí sinh có thể chọn 1 hoặc các phương án đúng với câu hỏi đó ở Bảng hiển thị số thứ tự các câu hỏi (phía trên bên trái màn hình), các câu hỏi đã trả lời sẽ có nền màu xanh, thí sinh có thể chọn câu bất kỳ ở trong bảng để trả lời. Hoặc chọn nút Trang trước, Trang sau để xem lần lượt các câu hỏi.

Thí sinh có thể bấm nút “Nộp bài” bất kỳ lúc nào trong thời gian thi để kết thúc thi. Nếu hết thời gian làm bài, hệ thống sẽ yêu cầu thí sinh “Nộp bài” và tự động ghi nhận kết quả thi.

Thí sinh không làm mới lại giao diện màn hình trang web khi đang thi (không bấm phím F5 trên máy tính, không thực hiện các thao tác refresh màn hình trên các thiết bị di động) vì có khả năng sẽ tự làm rớt phiên thi.

Sau khi nộp bài, thí sinh sẽ biết kết quả thi. Nếu thí sinh đã hoàn thành bài thi, hệ thống sẽ thông báo kết quả thi.

{keywords}

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng lưu ý các thí sinh về một số tình huống và cách xử lý khi đang thực hiện bài thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022. Cụ thể như, thí sinh bị thoát ra khi đang làm bài: Hệ thống tự động lưu đề bài và các câu trả lời, thí sinh có thể vào lại và tiếp tục làm bài thi; sau khi bị thoát ra vào lại thì hệ thống thông báo hết giờ làm: Nếu thí sinh chưa hoàn thành bài thi chính thức có thể đề nghị Ban tổ chức để được hoàn thành bài thi.

Hệ thống xuất hiện thông báo “Có dấu hiệu vi phạm quy chế thi”, với trường hợp này, nếu thí sinh đang làm bài thi mà mở cửa sổ/ ứng dụng khác thì hệ thống sẽ cảnh báo. Bài thi có dấu hiệu vi phạm 3 lần trở lên sẽ bị coi là không hợp lệ.

Đặc biệt, các thí sinh cần chuẩn bị thiết bị tốt (máy tính/ điện thoại) và nơi kết nối mạng ổn định để làm bài thi. Nếu truy cập trang web thi nhận thấy hiển thị chậm, thí sinh nên đợi khi website thi load bình thường mới vào làm bài thi. 

Bên cạnh 8 giải thưởng tập thể dành cho các trường có số lượng học sinh dự thi nhiều nhất và bài thi chất lượng, Ban tổ chức cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 sẽ chọn trao 76 giải cá nhân cho các thí sinh, với 3 giải Nhất, 8 giải Nhì,15 giải Ba và 50 giải Khuyến khích. Các học sinh đạt điểm cao còn được nhận nhiều phần quà hấp dẫn từ các đơn vị tham gia phối hợp tổ chức cuộc thi.

Cuộc thi được kỳ vọng sẽ thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh của các trường THCS trên cả nước và là dịp để các em học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo… có thêm hiểu biết, kiến thức để có thể sử dụng không gian mạng một cách an toàn và hữu ích.

Vân Anh

Trang bị “vắc xin số” giúp học sinh an toàn trên không gian mạng

Trang bị “vắc xin số” giúp học sinh an toàn trên không gian mạng

Cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin 2022 sẽ tập trung cung cấp các kiến thức và kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh THCS, giúp các em có “vắc xin số” để tự bảo vệ, tự phát triển lành mạnh, sáng tạo trên mạng.