Toàn thế giới hứng chịu khoảng 7,2 tỷ đợt tấn công mạng từ tháng 7/2021 đến tháng 8/2022, theo số liệu ghi nhận từ các thiết bị có cài đặt sản phẩm bảo mật của hãng Kaspersky. Trong đó, riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) chiếm 35% trên tổng số cuộc tấn công được phát hiện. Các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc thuộc nhóm có số vụ tấn công cao nhất trong khu vực. Số liệu do ông Vitaly Kamluk - Giám đốc trung tâm nghiên cứu khu vực APAC của Kaspersky cung cấp tại sự kiện APAC Cybersecurity Weekend tổ chức mới đây.

Theo số liệu này, Việt Nam chiếm 5% số cuộc tấn công mạng của khu vực, đứng thứ 3 sau Ấn Độ và Nhật Bản. Các nước Trung Quốc, Indonesia xếp ở các vị trí tiếp theo trong top 5.

{keywords}
Ông Vitaly Kamluk đang trình bày qua video tại sự kiện APAC Cybersecurity Weekend. Ảnh: Kaspersky

Bình luận về việc Việt Nam hứng chịu nhiều đợt tấn công mạng, ông Vitaly cho rằng cần nhìn nhận sự việc ở hai góc độ.

“Số liệu ghi nhận không đồng nghĩa với việc Việt Nam nhận nhiều cuộc tấn công hơn nước khác, hay tỷ lệ tội phạm mạng tại Việt Nam nhiều hơn. Ngược lại, chúng tôi đánh giá cao khả năng ứng phó của Việt Nam đối với các vụ tấn công trên Internet”, ông Vitaly trả lời ICTnews.

Theo giải thích của vị này, số lượng tấn công được ghi nhận nhiều là do nhiều cá nhân và tổ chức tại Việt Nam sử dụng phần mềm Kaspersky nên các sự cố được phát hiện nhiều hơn. Ở một số nước khác, có thể tỷ lệ sử dụng phần mềm hãng này ít hơn nên số liệu ghi nhận không cao.

Vị chuyên gia đánh giá Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc đối phó với các vấn đề an ninh mạng, do đó tình hình bảo mật đang ngày một tốt hơn. Song song đó, các tổ chức như VNCERT và một số bên khác rất nhiệt tình hợp tác với hãng bảo mật trong nhiều hoạt động mang tính hợp tác toàn cầu. Nhiều cuộc tập huấn và diễn tập an ninh mạng cũng được Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân và doanh nghiệp.

Trả lời PV ICTnews về việc dẫu có nhiều nỗ lực từ chính phủ, các cơ quan truyền thông và nhiều tổ chức khác, song số lượng người dân bị lừa đảo mất tiền vẫn diễn ra thường xuyên trên mạng, đại diện Kaspersky cho rằng thế giới ảo cũng hoạt động như ngoài đời thật, do đó những vụ lừa đảo sẽ không bao giờ chấm dứt.

Tuy vậy, có thể giảm thiểu các sự cố bằng hệ thống công nghệ bảo mật tiên tiến cộng với nâng cao ý thức cho người dân. “Cần cho người dân hiểu rằng không gian trên mạng cũng hoạt động tương tự như ngoài cuộc sống. Do đó phải thực sự thận trọng với những lời đề nghị quá béo bở”, ông Vitaly phân tích.

“Nếu bạn đang đi ngoài đường và có ai đó tiếp cận, nói rằng bạn trúng thưởng một chương trình nào đó. Liệu bạn có tin không? Thế giới mạng cũng tương tự như vậy, do đó nên cân nhắc trước những sự việc hơi phi lý trên không gian Internet”, vị chuyên gia nói thêm.

Trước đó, trong bài trình bày của mình, ông Vitaly cho thấy xu hướng các công ty và chính phủ sử dụng nguồn ngân sách lớn cho các vấn đề bảo đảm an toàn an ninh mạng.

Cụ thể, Ngân hàng trung ương Mỹ dành hơn một tỷ USD mỗi năm cho an ninh mạng, Nhà trắng đề xuất gói 10,9 tỷ USD phục vụ công tác an ninh mạng trong năm 2023, hay cả Google và Microsoft sẽ tiêu tốn 30 tỷ USD cho an ninh mạng trong vòng năm năm kể từ 2021.

Theo Gartner, toàn thế giới dự báo tiêu tốn khoảng 150 tỷ USD cho vấn đề quản lý rủi ro và an ninh trong năm 2021. Số liệu dự báo của Cybersecurity Ventures thậm chí còn cao hơn, lên khoảng 262,4 tỷ USD trong năm 2021 cho công tác an ninh mạng toàn cầu, và lên tới 458,9 tỷ USD vào năm 2025 - gần bằng GDP hàng năm của Thái Lan (khoảng 520 tỷ USD).

Từ những số liệu trên, phía Kaspersky nhận định ngân sách dành cho việc đấu tranh với tội phạm mạng sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh thế giới hiện nay đang kết nối nhiều hơn, dữ liệu tăng lên, các dịch vụ kỹ thuật số đang ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia.

Hải Đăng

Việt Nam cần làm gì để hạn chế email lừa đảo?

Việt Nam cần làm gì để hạn chế email lừa đảo?

Nằm trong số các quốc gia nhận nhiều email spam nhất toàn cầu, Việt Nam cần cải thiện vấn đề này, trong đó mỗi cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ đều đóng vai trò quan trọng.