Vài ngày gần đây, các ngân hàng liên tục gửi các cảnh báo đến người dân về các thủ đoạn lừa đảo thời điểm gần cuối năm âm lịch. Ngân hàng HSBC cảnh báo các thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng, nhân viên sàn thương mại điện tử để chiếm tài khoản. Trong khi đó, VPBank cảnh báo thủ đoạn kêu gọi bình chọn trên mạng để đánh cắp thông tin người dùng, thực hiện lừa tiền.

Lừa đảo đánh cắp mã OTP

Cụ thể, ngân hàng HSBC mới đây cảnh báo thủ đoạn kẻ xấu giả danh là nhân viên ngân hàng, gọi cho khách hàng để thực hiện các dịch vụ liên quan. Tội phạm sẽ yêu cầu khách chia sẻ mã OTP để hoàn tất các thủ tục hoặc cập nhật thông tin. Tuy nhiên, mã OTP này có thể được tội phạm sử dụng để đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc thực hiện các giao dịch gian lận trên tài khoản của nạn nhân. 

Tội phạm cũng có thể giả danh là nhân viên một trang thương mại điện tử nổi tiếng yêu cầu khách hàng cung cấp OTP để hủy một giao dịch gian lận không có thật. Với OTP này, kẻ lừa đảo có thể thực hiện giao dịch gian lận và chiếm đoạt tiền từ thẻ hay tài khoản. 

{keywords}
Người dân nên cẩn trọng khi nhận được các cuộc gọi đến xưng là nhân viên tổ chức nào đó để yêu cầu cung cấp mã OTP, thông tin ngân hàng... (Ảnh minh hoạ)

Gửi thư giả mạo

Tội phạm mạng cũng có thể gửi thư in logo ngân hàng, thông báo về lỗ hổng an ninh. Sau đó, các đối tượng giả danh là nhân viên an ninh ngân hàng gọi để hỗ trợ. Để xử lý vấn đề an ninh, kẻ xấu sẽ yêu cầu khách hàng đăng nhập vào trang liên kết giả mạo. Thực tế, tội phạm dùng phương thức này để thu thập thông tin đăng nhập của khách hàng và thực hiện các giao dịch gian lận. 

HSBC cũng lưu ý về hình thức lừa đảo nâng cấp SIM 3G lên 4G/5G mà ICTnews đã thông tin trước đó. Trong thủ đoạn này, kẻ xấu gọi tới giới thiệu dịch vụ nâng cấp SIM, tuy nhiên sau khi làm theo hướng dẫn, khách có thể mất SIM, mất tài khoản ngân hàng, bị rút mất tiền.

Lừa bình chọn cho một cuộc thi để chiếm tài khoản

Mới đây nhất, VPBank cũng cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội. Chẳng hạn, đối tượng tự lập một liên kết có tên miền gần giống với ban tổ chức một cuộc thi nào đó. Sau đó, chúng chia sẻ lên mạng xã hội để kêu gọi bình chọn. Để bình chọn, người dùng phải truy cập vào liên kết được chia sẻ rồi đăng nhập thông tin tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu).

Do liên kết có mã độc nên khi người dùng đăng nhập thông tin, các đối tượng đã đánh cắp nhiều thông tin tài khoản của người dùng. Từ đây, chúng thu thập hình ảnh, dữ liệu của chủ tài khoản và cắt ghép thành các đoạn video ngắn.

Sau đó, nhóm đối tượng đã mạo danh các chủ tài khoản để nhắn tin/thực hiện video call (sử dụng những video được cắt ghép sẵn từ trước) đến những người thân, bạn bè trong danh bạ mạng xã hội của chủ tài khoản đó để vay mượn hoặc nhờ chuyển tiền.

Các ngân hàng cảnh báo dịp cận Tết nhiều đối tượng lừa đảo sẽ ráo riết thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, chiếm đoạt tiền, lừa đảo. Người dùng tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu ngân hàng, và đặc biệt chú ý khi click vào các đường link được cung cấp.

Hải Đăng

Cận Tết Nguyên đán 2022, người dùng iPhone lại nhận tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo

Cận Tết Nguyên đán 2022, người dùng iPhone lại nhận tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo

Nhiều người dùng iPhone tại Việt Nam đã thông tin tới hệ thống tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656 về việc họ nhận được tin nhắn spam trên iMessage giới thiệu công việc đa cấp, có dấu hiệu lừa đảo.