Lo ngại vấn đề bảo mật dữ liệu

{keywords}
Nhiều sàn TMĐT cho biết cần thêm thời gian để thu thập thông tin.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa đóng góp ý kiến về các bước dự kiến triển khai lộ trình kết nối thông tin từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tới cơ quan thuế theo quy định của Thông tư 40.

Qua thu thập ý kiến một số sàn TMĐT, Hiệp hội đánh giá hiện nay chưa thể đưa ra lộ trình cụ thể để chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT cung cấp các hoạt động kinh doanh của cá nhân trên sàn.  

Trong văn bản góp ý, VECOM cho rằng, yêu cầu các sàn TMĐT “cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật” là chưa đảm bảo tính phù hợp, thống nhất với quy định pháp luật. 

Tại công văn lấy ý kiến được Tổng cục Thuế gửi đi trước đó, cơ quan thuế đề xuất thông tin được cung cấp theo hình thức dữ liệu điện tử được chuyển định kỳ hàng tháng. Đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, việc yêu cầu các sản TMĐT cung cấp thông tin của người bán trên cơ sở “định kỳ hàng tháng” trở thành yêu cầu báo cáo hàng tháng của doanh nghiệp cho cơ quan thuế. VECOM cho rằng quy định này "sẽ tạo ra một thủ tục hành chính mới cho doanh nghiệp". vì quy định "Cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế” tại Luật Quản lý thuế khác với cung cấp báo cáo hàng tháng hoặc định kỳ.

Theo VECOM, các quy định hiện hành đều yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng và chỉ được phép chia sẻ cho bên thứ ba nếu được sự đồng ý của chủ thể thông tin hoặc có yêu cầu cụ thể từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, Hiệp hội Thương mại điện tử dẫn Điểm a, Khoản 2, Điều 26 Luật An ninh mạng yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm “bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Tại Điều 17 Luật An toàn thông tin mạng cũng quy định doanh nghiệp có trách nhiệm “Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Trong bối cảnh quản lý thuế, “yêu cầu cụ thể” xảy ra khi cơ quan quản lý thuế phát hiện cá nhân nhất định kinh doanh trên sàn TMĐT đã có hành vi vi phạm rõ ràng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.

"Trước khi thu thập dữ liệu cá nhân, dù ở quy mô nào, Tổng cục Thuế cần công khai các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân và cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh trong trường hợp lộ lọt dữ liệu có thể xảy ra từ phía cơ quan nhà nước, gây tổn thất cho doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT", văn bản của VECOM nêu.

Trong khi đó, về việc kết nối dữ liệu, đại diện một số sàn TMĐT quy mô lớn cho rằng phương thức chuyển file dữ liệu qua Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế có rủi ro lớn về bảo mật dữ liệu nên khuyến nghị không áp dụng phương thức này. Do đó, một số sàn TMĐT đề xuất giải pháp kết nối trực tiếp. "Việc kết nối nếu thực hiện phải nghiên cứu hình thức gửi dữ liệu một chiều từ doanh nghiệp đến Tổng cục Thuế nhằm phòng tránh các nguy cơ an ninh mạng không kiểm soát được".

Các sàn TMĐT kiến nghị, nhằm đảm bảo tính công bằng và khả thi trong áp dụng pháp luật, đề nghị Tổng cục Thuế xây dựng phương thức kết nối, cung cấp dữ liệu sao cho tất cả sàn TMĐT đều có thể đáp ứng, không phân biệt quy mô lớn hay nhỏ mà cần dựa trên khả năng đáp ứng chung, đồng thời đảm bảo tính an toàn, bảo mật dữ liệu một cách cao nhất.

Cần thời gian để các sàn thu thập thông tin

Theo VECOM, một số sàn TMĐT cho biết chưa thực hiện thu thập thông tin cá nhân, chẳng hạn số chứng minh nhân dân, căn cước công dân (do thông tin này không bắt buộc phải thu thập theo pháp luật về TMĐT hiện hành). Bởi vậy, sẽ cần có thời gian cũng như thay đổi thiết kế hệ thống để đáp ứng yêu cầu thu thập thông tin của cơ quan thuế.

Về lộ trình thực hiện, VECOM cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, đặc biệt là ở TP.HCM, nơi phần lớn các sản TMĐT đặt trụ sở, Tổng cục Thuế và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cần xem xét lại kế hoạch khảo sát các sàn TMĐT trong tháng 8.

Cũng theo khảo sát sơ bộ của VECOM, hiện có hơn 1.000 sản TMĐT đã đăng ký với Bộ Công Thương. Các sàn hoạt động với 8 loại hình phổ biến như: sàn mua bán, rao vặt; sàn giao dịch hàng hóa; sàn du lịch trực tuyến; sàn gọi xe công nghệ; sàn giao dịch bất động sản…. Phần lớn đều cung cấp dịch vụ cho cả doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh.

Do đó, VECOM cho rằng cơ quan thuế nên thông báo quy mô khảo sát đối với tất cả hay chỉ một số loại hình.

Về quy định chủ sở hữu các sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay các cá nhân kinh doanh, phía VECOM cho rằng: “Quy định lặp lại những nội dung đã được quy định rõ ràng đồng thời mở rộng phạm vi đối tượng so với quy định của Nghị định 126".

Duy Vũ 

Tổng cục Thuế lấy ý kiến về kết nối thông tin giữa cơ quan thuế và sàn TMĐT

Tổng cục Thuế lấy ý kiến về kết nối thông tin giữa cơ quan thuế và sàn TMĐT

Các sàn TMĐT lớn có thể kết nối trực tiếp với Tổng cục Thuế hoặc chuyển file dữ liệu thông tin cá nhân người bán và doanh thu hàng tháng đến Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế để cơ quan thuế quản lý.