Điều phối xử lý các website lừa đảo, giả mạo sẽ nhanh hơn

Thông tin cụ thể hơn về hệ thống ngăn chặn lừa đảo để phục vụ công tác cảnh báo, ngăn chặn các website giả mạo dự kiến sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, dữ liệu cung cấp cho hệ thống có được từ người dân và các hệ thống CNTT của ngân hàng sẽ giúp kịp thời dự báo và phát hiện các website lừa đảo. Nhờ đó, công tác điều phối các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và doanh nghiệp viễn thông xử lý sẽ nhanh, kịp thời hơn.

Thời gian tới, Cục An toàn thông tin cũng dự kiến sẽ xây dựng hệ thống cho người dùng phát hiện các tin nhắn giả mạo tên định danh (fake brandname), thông qua cơ chế đồng bộ tin nhắn quảng bá sử dụng tên định danh của ngân hàng.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tin nhắn giả mạo tên định danh; cũng như tiếp tục phối hợp với các tổ chức, tài chính ngân hàng, các nhà mạng, ISP và các cơ quan chức năng thực hiện ngăn chặn, xử lý các website giả mạo.

{keywords}
Một giải pháp được Cục An toàn thông tin cùng các đơn vị tập trung triển khai thời gian qua là lập đội phản ứng nhanh để ngăn chặn và xử lý các website giả mạo, lừa đảo (Anh minh họa)

Theo đánh giá của Cục An toàn thông tin, thời gian vừa qua, tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua đầu số 5656 của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) của Cục An toàn thông tin và ghi nhận từ các doanh nghiệp di động, tổ chức tài chính, ngân hàng cho thấy, từ cuối năm ngoái đến nay có nhiều phản ánh về tin nhắn giả mạo, lừa đảo.

Đáng chú ý, các tin nhắn giả mạo tên định danh của các tổ chức tài chính, ngân hàng, với nội dung giả mạo cảnh báo của ngân hàng để dụ dỗ người dùng đăng nhập vào website có tên miền tương tự tên miền gốc của ngân hàng; sau đó yêu cầu họ cung cấp thông tin tài khoản, tin nhắn OTP và thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền.

“Thủ đoạn này không chỉ gây ra thiệt hại về tài chính, mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của các tổ chức, tài chính ngân hàng, khi người dân băn khoăn với vấn đề bảo mật của các tổ chức”, đại diện Cục An toàn thông tin nhận định.

Từ đầu tháng 2 đến nay, Cục An toàn thông tin đã phối hợp với Cục CNTT, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan tập trung tổ chức giám sát, cảnh báo và lập đội phản ứng nhanh để ngăn chặn và xử lý các website giả mạo, lừa đảo, song song với việc tuyên truyền rộng rãi về phương thức lừa đảo mới.

Cụ thể, đã có 2 nhóm phản ứng nhanh thông qua kênh viber được thành lập, trong đó, nhóm 1 gồm Cục An toàn thông tin và đại diện cho 35 tổ chức ngân hàng, tài chính. Nhiệm vụ của nhóm này là thường trực 24/7 để các tổ chức tài chính, ngân hàng phản ánh về hiện tượng giả mạo, phát tán tin nhắn lừa đảo, phản ánh các trang web giả mạo về Cục An toàn thông tin. Đây cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống, ngăn chặn các tin nhắn giả mạo, lừa đảo ngân hàng.

Nhóm 2 gồm có Cục An toàn thông tin và đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, ISP của Việt Nam, có trách nhiệm thường trực 24/7 nhận lệnh chặn các trang web phishing ngay khi có chỉ đạo từ Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT

Trên cơ sở các thông tin tiếp nhận qua hệ thống 5656, các thông tin từ tổ chức tài chính, ngân hàng, Cục An toàn thông tin sẽ xác minh và điều phối các doanh nghiệp Telco/ISP ngăn chặn các tên miền giả mạo, lừa đảo. Các trang web bị ngăn chặn đều được xác thực bởi chính các tổ chức tài chính, ngân hàng bị giả mạo, lừa đảo.

Đã chặn hơn 100 trang web giả mạo ngân hàng, tổ chức tài chính

Việc phối hợp giữa Cục An toàn thông tin, Cục CNTT của Ngân hàng nhà nước, các doanh nghiệp Telco/ISP, các tổ chức tài chính, ngân hàng thời gian qua được đánh giá là chặt chẽ, đảm bảo bước đầu đã phát huy hiệu quả.

- Việc xử lý, ngăn chặn các website giả mạo, lừa đảo hiện nay khoảng trong 3 - 4 giờ sau khi phát hiện được. Qua đó, hạn chế được rất lớn mức độ thiệt hại cho người dùng.

Thống kê cho thấy, tính từ ngày 4/2 đến ngày 21/5, Cục An toàn thông tin đã điều phối, chặn hơn 100 trang web giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính như: vn-sacombank.vn, sacombank.net.vn, iisacombank.com, v-acb.com, vcb.ebank-digibank.com, viettelpayvn.com, acb-online.cc, vietimbank.top, bidv-smartbank-online.com…

Theo báo cáo của các ngân hàng gửi về Cục An toàn thông tin, trước khi triển khai các biện pháp kể trên, số lượng khách hàng bị lừa đảo đã được giảm thiểu rõ rệt, thiệt hại giảm khoảng 99%.

Vân Anh

Cận Tết, hacker gia tăng lừa đảo các giao dịch ngân hàng, ví điện tử

Cận Tết, hacker gia tăng lừa đảo các giao dịch ngân hàng, ví điện tử

Theo các chuyên gia, lợi dụng thời gian cận Tết nguyên đán 2021 nhu cầu giao dịch, thanh toán trực tuyến, tặng quà hoặc lì xì online tăng mạnh, nhiều nhóm hacker đang gia tăng hoạt động lừa đảo nhắm vào người dùng các dịch vụ banking, ví điện tử.