Thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ ATTT Make in Vietnam

Nhận định trên được đại diện VNISA đưa ra tại lễ công bố và trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2021 được tổ chức tại Hà Nội vào chiều ngày 16/12.

Đây là lần thứ 6 VNISA tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin (ATTT) tiêu biểu, xuất sắc và là năm thứ 2 chính thức mang tên “Chìa khóa vàng”.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh: Năng lực đảm bảo ATTT của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ATTT do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.

{keywords}
Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng cho rằng: Năng lực đảm bảo ATTT của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ATTT do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ.

Đồng hành cùng doanh nghiệp ATTT Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, Hiệp hội đã thường niên tổ chức chương trình bình chọn, tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ ATTT xuất sắc.

Chương trình nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các sản phẩm, dịch vụ, với mong muốn đưa sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam lên ngang tầm công nghệ tiên tiến trên thế giới, nâng cao thị phần, từng bước đáp ứng được phần lớn nhu cầu bảo đảm ATTT của các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Nhiều năm qua, chương trình đã trở thành cầu nối tin cậy giữa những đơn vị đang có nhu cầu cao về bảo đảm ATTT với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. “Kết quả chương trình bình chọn cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận rõ nét hơn về thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT và đưa ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam một cách phù hợp”, ông Nguyễn Thành Hưng khẳng định.

Trong phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Thành Phúc cho biết, trong xu thế ATTT hiện nay, xét trong quan điểm lựa chọn sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, chúng ta cần “Trust, but verify – tin tưởng nhưng cần kiểm chứng”. Hoạt động đánh giá, công bố và trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” cho sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng chính là một khâu quan trọng của “verify” - kiểm chứng.

“Các sản phẩm, dịch vụ được công nhận danh hiệu “Chìa khóa vàng” hôm nay chính là các sản phẩm đã được “verify”, và tôi tin, tự nó sẽ được lựa chọn sử dụng rộng rãi”, ông Nguyễn Thành Phúc đánh giá.

Người đứng đầu Cục ATTT cũng cho biết, Bộ TT&TT cam kết luôn quan tâm, kiến tạo thị trường, tạo nhu cầu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp an toàn thông tin mạng thông qua các chính sách thúc đẩy, các quy định bảo đảm ATTT, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm, các thông tin thống kê giúp cho doanh nghiệp có hoạch định chiến lược phát triển.

{keywords}
Đại diện Bkav nhận danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2021 ở hạng mục Sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc.

Đáng chú ý, từ kết quả đánh giá, bình chọn các sản phẩm, dịch vụ ATTT của các doanh nghiệp Việt Nam, đại diện VNISA nhận định: Số lượng vượt trội của nhiều sản phẩm mới và sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp mới trong hạng mục “Sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc” cho thấy tương lai tươi sáng của công nghiệp ATTT nội địa.

“Chúng ta ghi nhận sự đa dạng của sản phẩm và dịch vụ ATTT của các doanh nghiệp trong nước với mức độ nội địa hóa và tự phát triển giải pháp khoa học kỹ thuật rất cao, hoàn toàn làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Thực tế, nhiều sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế sản phẩm, dịch vụ tương tự của nước ngoài”, đại diện VNISA cho hay.

Trao 46 danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2021 cho 16 doanh nghiệp

Ông Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội đồng bình chọn thông tin cho hay: Chương trình năm nay đã cải tiến đổi mới và mở rộng, nâng số lượng hạng mục bình chọn lên thành 8, trong đó bổ sung mới 3 hạng mục “Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về kiểm tra và đánh giá ATTT mạng”, “Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về giám sát và xử lý sự cố ATTT mạng” và “Top 5 doanh nghiệp Việt Nam về mật mã, xác thực và chữ ký số”.

“Lần đầu tiên chương trình vinh danh không chỉ các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ mà thực sự vinh danh các doanh nghiệp dẫn đầu trong 3 lĩnh vực ATTT”, ông Vũ Quốc Khánh nói.

Kết quả, qua 3 tháng khẩn trương nghiên cứu hồ sơ và thẩm định kỹ nội dung trên thực tiễn, Hội đồng bình chọn đã quyết định chọn trao 46 danh hiệu “Chìa khóa vàng” năm 2021 cho 16 doanh nghiệp và tổ chức KHCN, tăng 1 danh hiệu so với năm ngoái.

{keywords}
Đại diện CMC Cyber Security nhận danh hiệu ở hạng mục Sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc.

Tại lễ trao giải chiều ngày 16/12, ở hạng mục “Top 5 Doanh nghiệp Việt Nam về kiểm tra và đánh giá ATTT mạng”, 4 doanh nghiệp nhận danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2021 gồm VNPT, Viettel Cyber Security, Misoft, CMC Cyber Security.

Năm đơn vị được vinh danh ở hạng mục “Top 5 Doanh nghiệp Việt Nam về giám sát và ứng cứu sự cố ATTT mạng” gồm có VNCS, Viettel Cyber Security, CMC Cyber Security, FPT IS và VNPT.

Ba doanh nghiệp giành được chứng nhận “Top 5 Doanh nghiệp Việt Nam về mật mã, xác thực và chữ ký số” gồm Nacencomm, VNPT và SAVIS.

Ở hạng mục “Sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc”, có 15 sản phẩm của 11 tổ chức, doanh nghiệp được trao danh hiệu “Chìa khóa vàng”, trong đó Viettel Cyber Security có 3 sản phẩm gồm giải pháp làm việc từ xa an toàn, giải pháp phát hiện và phản ứng gian lận tài chính, giải pháp cập nhật tri thức an ninh mạng; Bkav có 2 sản phẩm là phần mềm Bkav Privileged Access Management, phần mềm Bkav Network Access Control; CyStack Việt Nam cũng có 2 sản phẩm là CyStack Web Security, trình quản lý mật khẩu Locker; VNCS có giải pháp quản lý sự kiện và bảo mật thông tin VSIEM...

Dịch vụ của 5 doanh nghiệp Viettel Cyber Security, CMC Cyber Security, Misoft, VNCS và CyStack Việt Nam giành danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2021 ở hạng mục “Dịch vụ ATTT tiêu biểu”. Còn trong hạng mục “Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao xuất sắc”, Viettel Cyber Security và CMC Cyber Security đã xuất sắc giành lần lượt 6 và 2 danh hiệu.

Vân Anh

Bình chọn “Chìa khóa vàng” 2021 thêm nhóm hạng mục mới

Bình chọn “Chìa khóa vàng” 2021 thêm nhóm hạng mục mới

So với các năm trước, điểm khác biệt của chương trình bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng” năm nay là có thêm một nhóm hạng mục bình chọn mới dành cho các doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam.