Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, đầu năm 2021, bên cạnh việc khai thác các điểm yếu, lỗ hổng mới phát sinh trên hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức, các chiến dịch tấn công mạng có chủ đích (APT) cũng được các hacker âm thầm triển khai qua nhiều hình thức khác nhau. Các nhóm tấn công APT thường được hậu thuẫn với nguồn lực rất lớn để thực hiện các chiến dịch tấn công vào các mục tiêu chính trị, kinh tế.

Vào đầu tháng 4 này, trên không gian mạng xuất hiện nhiều thông tin về chiến dịch tấn công kéo dài nhiều tháng do nhóm APT Cycldek thực hiện để xâm nhập vào máy tính của các cơ quan chính phủ ở Việt Nam, các nước Trung Á và Thái Lan. Vào ngày 5/4/2021 Kaspersky đã đưa thông tin về chiến dịch tấn công này trên trang securelist.com.

Nhóm APT Cycldek - còn có nhiều tên gọi khác là Goblin Panda, Cycldek, Hellsing, APT27, 1937CN, được phát hiện từ năm 2010. Nhóm này thường nhắm đến tấn công vào những mục tiêu thuộc lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và chính phủ tại các nước Đông Nam Á như Lào, Philippines, Thailand, Việt Nam(mục tiêu chính là Lào và Việt Nam). Kể từ khi hoạt động đến nay, APT Cycldek đã thực hiện nhiều chiến dịch tấn công vào nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

{keywords}
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khuyến nghị các đơn vị cần chủ động rà soát ngay trong nội tại hệ thống thông tin của mình để phát hiện ngăn chặn và xử lý tận gốc (Ảnh minh họa: Internet)

Đại diện Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng cho biết, nhóm Cycldek là một trong những nhóm tấn công APT có trong danh sách Trung tâm thường xuyên giám sát để phát hiện sớm các nguy cơ, thực hiện các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và xử lý các chiến dịch tấn công APT vào các cơ quan tổ chức tại Việt Nam trên diện rộng.

Trên cơ sở các thông tin thường xuyên theo dõi, giám sát, hợp tác chia sẻ thông tin, trong tháng 3/2021, Trung tâm Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận chiến dịch tấn công mạng gần đây nhất có liên quan đến nhóm APT Cycldek. “Ngay sau khi thu thập thông tin, đánh giá tình hình, chúng tôi đã phối hợp cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet - ISP để ngăn chặn, xử lý từ cuối tháng 3/2021”, đại diện NCSC cho hay.

Việc xử lý từ phía các doanh nghiệp ISP đã giảm thiểu tác động của chiến dịch tấn công đến hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.

Dù vậy, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia khuyến nghị các cơ quan, tổ chức ,doanh nghiệp vẫn cần chủ động rà soát ngay trong nội tại hệ thống thông tin của mình để phát hiện ngăn chặn và xử lý tận gốc.

Đặc biệt, khi phát hiện có dấu hiệu tấn công APT cần có đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện điều tra, truy vết, loại bỏ các mã độc đã cài cắm sâu vào hệ thống.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tấn công APT tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ tinh vi. Những năm trở lại đây, các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã phát hiện được nhiều chiến dịch tấn công mạnh mẽ nhắm vào các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như nhiều cơ quan khối Chính phủ. 

APT (Advanced Persistent Threat) là hình thức tấn công mạng có mục tiêu cụ thể do tin tặc sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật lừa đảo để đột nhập mạng mục tiêu và dai dẳng tập trung vào mục tiêu đó trong thời gian dài, cho đến khi cuộc tấn công diễn ra thành công (hoặc bị chặn đứng).

Hậu quả của các cuộc tấn công APT là vô cùng nặng nề: tài sản trí tuệ bị đánh cắp (bí mật thương mại hoặc bằng sáng chế…); thông tin nhạy cảm bị xâm nhập (dữ liệu cá nhân, hồ sơ nhân viên…); cơ sở hạ tầng quan trọng của tổ chức bị phá hủy (cơ sở dữ liệu, máy chủ quản trị…) hay toàn bộ tên miền của tổ chức bị chiếm đoạt.

M.T

Nâng cao kỹ năng sử dụng Trung tâm SOC để phòng chống tấn công APT

Nâng cao kỹ năng sử dụng Trung tâm SOC để phòng chống tấn công APT

Mục tiêu chương trình diễn tập an toàn, an ninh mạng WhiteHat Drill 07 là nâng cao kỹ năng chống tấn công có chủ đích APT, đồng thời thúc đẩy các hoạt động triển khai Trung tâm điều hành SOC đi vào thực chất, hiệu quả.