VNPT vừa công bố việc bắt tay hợp tác với Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) từ ngày 4/1/2023. Theo đó, thuê bao nhà mạng VinaPhone sẽ được miễn phí data tốc độ cao khi đăng ký sử dụng ứng dụng truyền hình di động ON Plus của VTVCab.

Cụ thể, thuê bao VinaPhone có thể sử dụng ứng dụng ON Plus với các gói cước độc quyền 8.000 đồng/ngày và 20.000 đồng/tuần hoặc 50.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc VNPT Media cho hay: Với hàng chục triệu thuê bao di động và rất nhiều trong số đó có nhu cầu sử dụng truyền hình OTT, đặc biệt là với nội dung thể thao, VNPT muốn mang đến những giá trị tốt hơn thông qua các trải nghiệm giải trí trên thiết bị di động.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc VNPT Media chia sẻ về quyết định bắt tay VTVCab. Ảnh: Trọng Đạt

Ngoài việc cung cấp nội dung có chất lượng cao, tận dụng được những lợi thế, ưu điểm về nền tảng công nghệ để đem lại trải nghiệm cho khách hàng là điều vô cùng quan trọng. 

"VNPT sẵn có các nền tảng, giải pháp công nghệ, do đó chúng tôi mong muốn hợp tác với các đối tác có sản phẩm, dịch vụ nội dung tốt", ông Hải nói.

Vài năm trở lại đây, ngành viễn thông đã chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng của mảng kinh doanh truyền thống, bao gồm doanh thu dịch vụ nhắn tin và thoại. Nguyên nhân sâu xa bởi sự phổ biến của Internet di động, cùng với đó là các dịch vụ OTT. 

Không chỉ vậy, thói quen của người dùng giờ đây đã thay đổi. Họ có xu hướng tìm tới các dịch vụ mới lạ, mang lại trải nghiệm tốt với chi phí ngày càng rẻ hơn. Trước tình hình này, các doanh nghiệp viễn thông phải tái cơ cấu và chuyển dần mảng hoạt động của mình sang môi trường số nhằm tạo ra một hệ sinh thái giá trị mới. 

Tại Việt Nam, có thể nhận thấy rõ điều này khi khoảng 2-3 năm trở lại đây, các nhà mạng trong nước đã tích cực tìm kiếm không gian tăng trưởng mới giữa bối cảnh các dịch vụ viễn thông truyền thống dần trở nên bão hòa. 

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng và dịch vụ viễn thông, nhiều nhà mạng từng bước chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đơn thuần sang nhà cung cấp dịch vụ số. Đặc biệt là xu hướng phát triển dịch vụ truyền hình di động nhằm tận dụng thế mạnh sẵn có về hạ tầng mạng lưới.

Nhiều nhà mạng trong nước đang đầu tư lớn vào mảng truyền hình nhằm đa dạng hóa nguồn thu, dịch vụ. Ảnh: Trọng Đạt

Trước cái bắt tay của VNPT và VTVCab, tháng 3/2021, Viettel đã ký kết hợp tác với K+ để đưa các nội dung do đơn vị này cung cấp lên ứng dụng TV360. Đây là ứng dụng truyền hình di động do Viettel phát triển và đến nay có khoảng 10 triệu người sử dụng. 

Cũng trong năm 2021, FPT Telecom đã hợp nhất thương hiệu FPT Play và Truyền hình FPT, trở thành dịch vụ truyền hình FPT với tên chung mới là FPT Play.

Theo lý giải của đại diện FPT Telecom, việc hợp nhất 2 dịch vụ trên nhằm giúp người dùng có thể trải nghiệm dịch vụ truyền hình trên đa nền tảng, cả tivi, máy tính và smartphone. Quyết định này nhằm hướng tới việc phát triển một hệ sinh thái nội dung thịnh vượng. 

Báo cáo Digital Việt Nam 2022 cho thấy, người Việt dành trung bình 6 giờ 38 phút mỗi ngày để sử dụng Internet, trong đó có 3 tiếng để xem truyền hình (bao gồm cả hình thức streaming). Thời lượng xem truyền hình đã tăng lên so với mức xem trung bình 2 giờ 40 phút của năm 2021.