Thông tin từ FPT IS cho hay, để triển khai Bệnh án điện tử, trong thời gian qua, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng đã ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chữ kí số và chữ kí điện tử dùng trong Bệnh án điện tử.

Mỗi cá nhân tại bệnh viện được cung cấp chữ kí số, chữ kí điện tử có trách nhiệm quản lý, sử dụng chữ kí số, chữ kí điện tử đúng nguyên tác, đảm bảo tính bảo mật, an toàn thông tin của bệnh án điện tử. Chức năng ký số áp dụng cho ký bệnh án điện tử được xây dựng ở mô hình ký tập trung.

Theo đó, các bệnh nhân ra viện, khi bệnh án được chuyển về phòng Kế hoạch tổng hợp sẽ được Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp/ Giám đốc Bệnh viện ký số - đảm bảo tất cả các trang trong hồ sơ bệnh án đều có xác thực nội dung với chữ ký số. Bệnh án sau khi được ký số sẽ được xuất định dạng file PDF có ký số và  lưu trên server tại bệnh viện, và lưu trên Fdrive của Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT (FPT IS).

Hội đồng thẩm định gồm lãnh đạo Cục CNTT, Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế Hải Phòng và Bảo hiểm xã hội Hải Phòng hồi cuối tháng 8/2019 đã thẩm định  việc triển khai bệnh án điện tử tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng (Nguồn ảnh: FPT IS)

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng đã được Hội đồng thẩm định triển khai Bệnh án điện tử gồm lãnh đạo Cục CNTT, Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế Hải Phòng và Bảo hiểm xã hội Hải Phòng đánh giá đạt mức 7 – mức cao nhất về ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định tại Thông tư 54 ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế. Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cũng được công nhận đủ điều kiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử ở mức thay thế hoàn toàn bệnh án giấy đúng theo quy định hiện hành, phù hợp với các cơ sở pháp lý, tính thực tiễn và sự cần thiết.

Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng là một trong những cơ sở khám, chữa bệnh đã và đang được FPT IS hỗ trợ ứng dụng giải pháp phần mềm quản lý phần mềm, triển khai bệnh án điện tử, cùng với những bệnh viện khác như: bệnh viện đa khoa Thành phố Vinh, bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hay các bệnh viện tại Đồng Nai, An Giang, TP.HCM...

Chia sẻ với ICTnews, ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Khối giải pháp y tế của Công ty FPT IS cho hay, áp dụng bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, bác sĩ cũng như các cơ quan quản lý ngành y tế.

Cụ thể, bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh không còn phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ; đồng thời được trải nghiệm các tiện ích như đặt lịch, nhắc khám, thông báo chuyển khoa, nhắc uống thuốc qua các ứng dụng.

Bên cạnh đó, kết hợp với việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình; lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn; từ đó người bệnh có thể chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình.

Các bác sĩ sẽ được hỗ trợ trong việc ra quyết định điều trị dựa các thông tin lịch sử, tiền sử người bệnh, hỗ trợ giảm sai sót như các tiện ích kiểm tra tương tác thuốc, cảnh báo quá liều... và cao hơn nữa khi các ứng dụng AI được rộng rãi sẽ hỗ trợ cả việc chỉ ra dấu hiệu bất thường dựa trên kết quả cận lâm sàng.

Còn đối với cơ quan quản lý ngành y tế, nhờ việc các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, cơ quan quản lý sẽ có cơ sở dữ liệu về bệnh án phục vụ nghiên cứu, truy vấn, phục vụ quản lý, điều hành góp phần nâng cao sức khoẻ toàn dân.

Đề cập đến khó khăn lớn nhất khi triển khai bệnh án điện tử, ông Nguyễn Duy Hiền nhấn mạnh: “Việc chuyển đổi sang mô hình không giấy tờ dẫn đến những thay đổi về thói quen, về cách sử dụng, đôi khi phải điều chỉnh quy trình cho phù hợp tình hình. Đây mới chính là khó khăn lớn nhất”. 

Theo ông Hiền, Thông tư 54 và Thông tư 46 của Bộ Y tế đã quy định rất rõ việc thực hiện, là “kim chỉ nam” để các cơ sở khám chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử tiến tới bệnh viện không giấy tờ. Tuy nhiên, đối với mỗi bệnh viện đều có những khác biệt về quy trình, những nghiệp vụ chi tiết cần phải xem xét, thay đổi, ban hành quy chế ...đảm bảo khi triển khai bệnh án điện tử tiến tới bệnh viện không giấy tờ mà vẫn giữ được sự ổn định vận hành liên tục của bệnh viện.

Vị đại diện FPT IS cho biết thêm, triển khai ứng dụng CNTT trong bệnh viện nói riêng và bệnh án điện tử nói chung điều quan trọng là sự quyết tâm và dấn thân của lãnh đạo bệnh viện, của các trưởng Khoa, Phòng ban chức năng và toàn bộ đội ngũ, bên cạnh đó, năng lực về công nghệ, sự am hiểu nghiệp vụ của đơn vị cung cấp cũng là yếu tố rất quan trọng.

“Nghĩa là, việc này cần cả hai phía là bệnh viện và nhà thầu phải làm việc chặt chẽ với nhau vì bệnh án điện tử ở Việt Nam mới trong giai đoạn bắt đầu triển khai, khiến thay đổi khá nhiều tư duy quản lý, quản trị, đặc biệt trong lĩnh vực phức tạp liên quan đến điều trị cho con người”, ông Hiền nói.