Mỹ, và nhiều nước khác, coi không gian mạng là một chiến trường thực thụ và những hacker chuyên nghiệp đã được tuyển dụng để tham chiến với tư cách "các chiến binh số".

Mục sở thị "Đại học hacker" của quân đội Mỹ

Tọa lạc tại phía tây nam Augusta, Georgia là Fort Gordon, một cơ sở tập hợp phần lớn các chiến binh số của quân đội Mỹ. Năm 2013, quân đội nước này đã lựa chọn nơi đây làm tổng hành dinh của Trung tâm chỉ huy mạng (Cyber Command), sau khi đơn vị này được thành lập vào năm 2010.

{keywords}
Bên trong Trung tâm Chiến dịch Mạng tại Fort Gordon

Tại Gordon, các chiến binh số được dạy những kỹ năng cực kỳ tinh vi cùng với chiến thuật quân sự bậc cao. Nhưng trước khi được gia nhập vào "Đại học hacker" của quân đội này, mỗi một chiến binh cần phải đạt điểm số kỹ thuật cực kỳ cao trong các bài kiểm tra nhập môn, cũng như ký thỏa thuận 5 năm làm việc trong quân đội, thay vì 4 năm như thông thường.

Do bản chất công việc bí mật của họ, việc huấn luyện thường được được tiến hành bên trong các căn phòng có an ninh nghiêm ngặt, nơi điện thoại di động, các thiết bị ghi âm bị cấm cửa. Mọi chiến sỹ đều phải được thẩm tra lý lịch toàn diện trước khi được chỉ định tham gia đơn vị này.

Sau thời gian đào tạo cơ bản, họ sẽ phải tiếp nhận những khóa đào tạo nâng cao kéo dài: 6 tháng tại Trung tâm Kiểm soát Thông tin của Hải quân Mỹ ở Pensacola, Florida, tiếp đến là 6 tháng tại Fort Gordon.

Theo Bloomberg, các sĩ quan quân đội sẽ phải trải qua chương trình tự huấn luyện tại căn cứ ở Georgia, có tên gọi là "Khóa học cơ bản về mạng cho sĩ quan lãnh đạo". Khóa này kéo dài gần 9 tháng và cũng là chương trình đào tạo sĩ quan dài nhất trong quân đội Mỹ.

Tiếp đến, các chiến sĩ sẽ phải tham gia khóa học Phân tích mạng của Hải quân (dài hơn 6 tháng). Do các sinh viên đến từ nhiều nhánh khác nhau trong quân đội, họ cũng sở hữu các kỹ năng và phông kiến thức rất khác nhau. Vì thế, 2/3 thời lượng học đầu tiên sẽ tập trung vào lập trình, toán cơ bản, cũng như nghiên cứu chức năng của mạng và hệ điều hành. Nhưng về sau, họ sẽ học các bước nghiên cứu và xâm nhập mục tiêu, bảo vệ mạng lưới, thậm chí là hack vào một mạng mô phỏng bằng Metasploit, công cụ phổ biến thường được tin tặc sử dụng.

Các sĩ quan cũng trải qua những khóa đào tạo tương tự, dù vị trí của họ sẽ đòi hỏi chương trình học tập trung vào việc chỉ đạo, điều phối hơn là xúc tiến trực tiếp.

"Sau khóa học, họ thực sự là những nhân tố quý giá", người phát ngôn của quân đội Mỹ cho biết. Quý giá đến mức quân đội thừa nhận việc giữ chân những tài năng này khỏi sự lôi kéo của các tập đoàn lớn ở thung lũng Silicon thực sự là một thách thức.

Hacking có phải hành động gây chiến?

"Hiện chưa có bất cứ khung pháp lý quốc tế nào áp đặt lên các quốc gia về những chiến dịch tấn công mạng", ông Bradley P.Moss, một luật sư về an ninh quốc gia bình luận với Tech Insider.

{keywords}
Chưa có khung pháp lý quốc tế nào liên quan đến các chiến dịch tấn công mạng.

Về cơ bản, Mỹ, Trung Quốc, Nga và một số nước khác đang hoạt động trong một không gian mà người ta mô tả là "miền Tây hoang dã thời số hóa", với rất ít hướng dẫn hay quy chuẩn đạo đức. Người ta cũng không thể phủ nhận việc chưa có một thể chế giám sát nào giống như Liên hợp quốc trong không gian mạng cả, để mà gây sức ép lên nước này không được tấn công mạng vào nước kia.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các ông lớn thiếu kiểm soát và ra đòn? Chẳng hạn như một loại sâu do quân đội Mỹ tạo ra có thể khiến cho vũ khí hạt nhân giải giáp, hoặc mã độc của Nga có thể hạ gục lưới điện hay sưởi nhiệt của châu Âu trong mùa đông?

Liệu đó có phải là những hành động chiến tranh hay không? Câu hỏi này thực sự không dễ trả lời, và trong lúc đó, người ta vẫn chứng kiến những cáo buộc như tin tặc nước này tấn công vào hệ thống ngân hàng, bảo hiểm hay thậm chí là Bộ Quốc phòng của quốc gia khác...

T.C