Lo ngại của người tiêu dùng Đại lục chủ yếu tập trung vào Apple, công ty cùng với những gã khổng lồ công nghệ khác như Google hay Microsoft từng nhanh chóng tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga sau khi cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev nổ ra ngày 24/2.

“Nhà Táo” đã ngừng bán sản phẩm và thu hẹp danh sách dịch vụ cung cấp, chẳng hạn như Apple Pay và xoá các ứng dụng tin tức như RT News và Sputnik News khỏi cửa hàng ứng dụng tại các quốc gia khác.

Diễn biến của cuộc xung đột Nga – Ukraine và phản ứng toàn cầu với cuộc chiến đang được các nước châu Á dõi theo chặt chẽ. Một số nhà bình luận trực tuyến tại Trung Quốc chỉ trích quyết định của Apple và kêu gọi Bắc Kinh cần chuẩn bị cho kịch bản tương tự.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nhà sản xuất iPhone sẽ khó lòng rời bỏ một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, vốn đang là trung tâm sản xuất quan trọng của công ty, đồng thời là thị trường lớn thứ 3 của hãng, sau Mỹ và châu Âu.

“Đó là một câu chuyện rất khác so với những gì đang xảy ra ở Nga”, Kendra Schaefer, Trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ tại Trivium cho biết.

Kendra giải thích rằng Bắc Kinh đã yêu cầu Apple và các công ty công nghệ khác phải lưu trữ thông tin, dữ liệu khách hàng Trung Quốc tại các máy chủ đặt bên trong nước này. Trong trường hợp Big Tech có ý định rút lui, họ sẽ không chỉ mất đi số khách hàng đang có, mà còn mất luôn tất cả dữ liệu khách hàng tại đây.

Tính tới Quý I/2022, Apple đang nắm giữ 17,9% thị phần Trung Quốc và xếp thứ 3 sau các thương hiệu smartphone nội địa tại đây. Từng có thời điểm, hãng công nghệ Mỹ dẫn đầu thị phần tại quốc gia tỷ dân trước khi suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng, tác động tới túi tiền người tiêu dùng.

Vinh Ngô