Mới đây, tỉnh Bình Dương đã tiến hành họp sơ kết 6 tháng về công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều cơ quan, địa phương đã ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết.

100% dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được xây dựng mẫu điện tử Eform.

Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 3 cấp chính quyền được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cấp huyện, cấp xã. Các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ và đúng quy định về việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Đến 30/6/2022, 100% đơn vị hành chính cấp huyện đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh đến nay đã triển khai được 1.159 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, của cấp tỉnh, huyện, xã đạt 60,58%; 100% dịch vụ công trực tuyến đã được xây dựng mẫu điện tử Eform. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phát sinh hồ sơ trực tuyến 545 hồ sơ. Tổng số hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã là 154.766 hồ sơ/tổng 485.067 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 31,90% hồ sơ phát sinh.

Công tác chuyển đổi số cũng được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện; xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022. Nhiều cơ quan, đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và xây dựng kế hoạch, đề án chuyển đổi số chuyên ngành như giáo dục, y tế, nội vụ, nông nghiệp, công thương…

Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ công bố thành lập Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã khảo sát hiện trạng cơ sở dữ liệu, kết nối dữ liệu, tích hợp các phân hệ phần mềm và loại dữ liệu hiện đang quản lý để xây dựng các chỉ số hiển thị theo 14 lĩnh vực dự kiến thực hiện thí điểm đấu nối vào Trung tâm IOC.

Đến nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. 100% cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ. Thiết bị phần cứng, đường Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng được đầu tư tương đối bài bản, đảm bảo an toàn thông tin, cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý nghiệp vụ của các cơ quan, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời cần giữ vững nâng cao các chỉ số PAPI, PCI, DTI, PAR INDEX và tiếp tục nâng cao hiện đại hóa nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Ông cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, tập  trung mua sắm trang thiết bị phục vụ cho lộ trình chuyển đổi số. Chủ động xác định các lĩnh vực ưu tiên về chuyển đổi số gắn với nhu cầu nhiệm vụ cơ sở, phù hợp với đặc điểm tình hình, thực tiễn của đơn vị mình.

Hạ Nhiên