Ngay trong ngày ông Táo về trời, thị trường crypto đã ghi nhận những biến động lớn. Theo đó, trong sáng 14/1, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vươn đến mốc 21.258 USD, cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay. 

Mở đầu “cây nến” ngày ở mức 19.900 USD, giá Bitcoin nhanh chóng phá vỡ mức 20.000 USD, rồi 21.000 USD bằng một cây nến xanh dựng đứng. Động thái điều chỉnh giá chỉ tạm thời ngừng lại trước 21.500 USD - một trong ngưỡng kháng cự quan trọng. 

Nếu phá vỡ mức 21.500 USD và hình thành đỉnh mới, Bitcoin sẽ chính thức chuyển từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng trên khung ngày. Sau khi tăng mạnh lúc đầu giờ sáng, hiện giá Bitcoin đã có sự điều chỉnh nhẹ và dao động qua mốc 21.000 USD.

Bitcoin tăng vọt lên 21.000 USD ngay trong ngày ông Táo về trời. Ảnh: Trọng Đạt

Đà tăng của Bitcoin được liên tục duy trì trong suốt 14 ngày qua. Nhờ vậy, giá Bitcoin đã được đẩy từ mốc 16.500 USD lên 21.258 USD, tăng gần 5.000 USD. Đây cũng là mức giá cao nhất được thiết lập của Bitcoin kể từ ngày 6/11/2022.

Cùng với sự tăng giá của Bitcoin, thị trường tiền mã hóa lúc này cũng đang tràn ngập màu xanh khi nhiều altcoin (các đồng tiền mã hóa ngoài Bitcoin) ghi nhận mức tăng đến hơn 10% chỉ trong 24 giờ gần nhất.

Giá Ethereum (ETH) - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới về tổng giá trị vốn hóa đã tăng lên gần 1.600 USD, áp sát vùng giá trước khi FTX sụp đổ. Solana (SOL) - một trong những đồng tiền mã hóa bị ảnh hưởng nặng nhất từ vụ việc của FTX cũng tăng tới 25%, lên mức 22,8 USD. Hiện giá Solana đã gần gấp 3 so với mức giá đáy 8 USD ở thời điểm hồi cuối tháng 12.

Cùng với sự tăng giá đột biến của Bitcoin, theo số liệu của Coinglass, trong 12 giờ gần nhất, có hơn 500 triệu USD lệnh giao dịch hợp đồng tương lai (Future) bị thanh lý trên các sàn giao dịch tiền mã hóa. 

Đà tăng giá của Bitcoin đã duy trì trong suốt 14 ngày qua và chưa có dấu hiệu suy giảm. Ảnh: Trọng Đạt

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác dẫn tới mức tăng giá sốc của Bitcoin. Tuy vậy, đà phục hồi của thị trường crypto xuất phát từ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ liên tiếp giảm và đạt mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. 

Trước thông tin này, thị trường đang kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bị áp lực phải giảm tốc độ nâng lãi suất, khiến đồng USD suy yếu trở lại so với các tài sản khác.

Bên cạnh tình hình khả quan từ thị trường tài chính Mỹ, một nguyên nhân quan trọng khác có thể ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư là việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại với thế giới. Điều này được kỳ vọng sẽ sớm có tác động tích cực lên nền kinh tế toàn cầu.