Thông tin nêu trên được Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav Vũ Ngọc Sơn chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Làm sao đưa Việt Nam khỏi Top 20 thế giới về lây nhiễm mã độc?” được ICTnews tổ chức ngày 12/12 vừa qua.

Số máy tính bị nhiễm mã độc tại Việt Nam luôn ở mức cao | Bkav: Mỗi ngày có 1,5 triệu mẫu virus mới được tung lên mạng

Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav Vũ Ngọc Sơn chỉ rõ, tỷ lệ lây nhiễm mã độc gia tăng cũng là xu hướng chung trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trên thực tế, Việt Nam trong nhiều năm đã bị các hãng bảo mật quốc tế xếp vào nhóm nước có tỷ lệ lây nhiễm mã độc cao. Đơn cử như, năm 2017, Symantec công bố danh sách Top 10 các nước khởi phát tấn công mạng nhiều nhất, trong đó có Việt Nam. Còn theo thống kê của trang securelist.com, trong quý IV/2017, với 637.395 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính ma (Botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong Top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet. 

Thông tin từ các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cũng cho biết, trong năm 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018 đã có một số cuộc tấn công mạng sử dụng mã độc làm thiệt hại nghiêm trọng cho cơ quan, tổ chức ở Việt Nam. 

Trong công văn gửi các bộ, ngành, địa phương vào cuối tháng 10/2018 đề nghị tăng cường, nâng cao năng lực về phòng chống mã độc, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cho hay, qua theo dõi, giám sát trên không gian mạng, Cục nhận thấy tình hình lây nhiễm phần mềm độc hại (mã độc) tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tấn công mạng nguy hiểm.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, trong 10 tháng đầu năm nay, có khoảng 4,7 triệu địa chỉ IP ( địa chỉ các máy tính, thiết bị điện tử khác nhận diện và liên lạc với nhau trên mạng Internet - PV) của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng mã độc lớn. Số liệu thống kê mới nhất từ các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT cho thấy, chỉ riêng trong tháng 11/2018, có hơn 1,6 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet). 

Trả lời câu hỏi “Với những con số thống kê nêu trên, phải chăng tỷ lệ lây nhiễm mã độc tại Việt Nam không những không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng?” của độc giả Đức Mạnh (Hà Tĩnh), ông Vũ Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch mảng Chống mã độc của Bkav nhấn mạnh, tỷ lệ lây nhiễm mã độc gia tăng cũng là xu hướng chung trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam.

"Mỗi ngày theo thống kê của chúng tôi có 1,5 triệu mẫu virus mới được tung lên mạng, con số này dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thậm chí các dòng mã độc lây qua lỗ hổng phần mềm như lỗ hổng của hệ điều hành Windows (SMB) có thể tự lây nhiễm vào máy tính mà không cần thao tác của người dùng. Tính riêng về lỗ hổng SMB, đến nay vẫn còn hơn 50% máy tính tại Việt Nam còn tồn tại lỗ hổng này. Vì thế, số máy tính bị nhiễm mã độc tại Việt Nam vẫn luôn ở mức cao", ông Vũ Ngọc Sơn cho biết.

Cũng theo chia sẻ của ông Vũ Ngọc Sơn, mã độc ở Việt Nam hiện có rất nhiều loại song 5 loại mã độc đang lây nhiễm nhiều nhất là: virus USB, virus đào tiền ảo, virus mã hóa dữ liệu, phần mềm gián điệp và mã độc tấn công APT.

Để phòng chống virus, vị Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav khuyến nghị, người dùng không nên vào các website không rõ nguồn gốc, không tùy tiện cài các phần mềm trên mạng, không mở trực tiếp các file nhận được qua email hay qua chat, messenger. Trong trường hợp phải mở file tải từ Internet, người dùng nên mở trong môi trường cách ly an toàn Safe Run. Tốt nhất, người dùng cần cài thường trực cho máy tính một phần mềm diệt virus có bản quyền để được tự động cập nhật và bảo vệ toàn diện, có hỗ trợ kỹ thuật từ nhà sản xuất.

Đề cập đến những nguy cơ mà người dùng Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh lây nhiễm mã độc khá phổ biến như hiện nay, đại diện Bkav cho hay: “Khi máy tính bị nhiễm virus, người dùng sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Người dùng có thể bị chiếm quyền điều khiển, bị theo dõi bởi phần mềm gián điệp, bị mất tài khoản ngân hàng, mất mật khẩu email, mạng xã hội. Nghiêm trọng hơn có thể bị lấy cắp dữ liệu, xóa dữ liệu”.