Người ta thường gọi Estonia là một quốc gia kỹ thuật số. Hầu hết dịch vụ chính phủ được cung cấp trực tuyến 24/7, trong đó, tính toàn vẹn của dữ liệu được bảo đảm bằng công nghệ blockchain. Chẳng hạn, người dân có thể đóng thuế, mua xe qua mạng mà không cần đến văn phòng đăng ký phương tiện. Chỉ có một số thứ cần phải sự xuất hiện của chủ thể như kết hôn hay mua bất động sản.

Nơi dịch vụ công không thua kém dịch vụ tư nhân

“Vì sao phải dành cả đời để xếp hàng vì một tấm giấy chứng minh bạn là ai? Các chính phủ cần học cách cung cấp dịch vụ công hiệu quả như Amazon bán sách vậy: không có sự hiện diện vật lý, không có chi phí đơn từ, không có giờ mở cửa”, đó là chia sẻ của bà Kersti Kaljulaid, Tổng thống Estonia nhiệm kỳ 2016-2021.

Vì nhiều lý do đặc biệt và khó lý giải, mọi người thường cho rằng doanh nghiệp tư nhân sẽ phục vụ tốt hơn chính phủ. Đó không chỉ là câu chuyện riêng của Estonia. Công dân kỳ vọng nhiều hơn từ chính phủ và hy vọng chính phủ của họ sáng tạo hơn. Người Estonia mong muốn, nếu khu vực công không ngừng đổi mới, chính phủ cũng nên như vậy.

{keywords}
 

Nếu có thể dễ dàng mua sách trên mạng, giao dịch ngân hàng, đăng nhập tài khoản mạng xã hội chỉ trong vài giây, vì sao một dịch vụ công lại không thể? Nếu mọi người có thể quản lý tài chính online, tại sao không phải các dịch vụ an sinh? Nếu có thể nhận thông báo từ nhà mạng để biết được khi nào đơn hàng giao đến nơi, tại sao không thể nhận thông báo từ chính phủ về việc gia hạn bằng lái?

Theo bà Kaljulaid, dịch vụ công không thể kém hơn dịch vụ tư trực tuyến. Công dân có thể xem như những cổ đông, luôn yêu cầu kết quả tốt hơn trong mọi khía cạnh đời sống.

Năm 2007, Estonia nhận danh hiệu không mấy gì vui vẻ khi trở thành nước đầu tiên trên thế giới bị tấn công mạng trên toàn quốc. Dù không có dữ liệu nào bị xâm phạm, kẻ tấn công đã đánh sập hệ thống, gây gián đoạn tạm thời trong bối cảnh Estonia đang nổi lên như một nước đầu tư mạnh mẽ vào chính phủ số và là trung tâm startup mới nổi, đặc biệt đối với dịch vụ kỹ thuật số.

Vụ tấn công chính là lời cảnh tỉnh về việc hạ tầng số của quốc gia có thể “mong manh” đến thế nào. Nó thúc đẩy Estonia phát triển nền tảng để bảo vệ đất nước trước các làn sóng tấn công tiếp theo. Hiện tại, hầu như các dịch vụ công trong nước đều được số hóa và truy cập thông qua định danh điện tử an toàn của công dân. Dữ liệu phi tập trung, không bao giờ trùng lặp và luôn bảo mật nhờ hệ thống trao đổi X-Road, “xương sống” của chính phủ điện tử Estonia. 

Một trong số các tiến bộ được tích hợp là sổ cái phân tán (LDT), không thể bị xóa bỏ hay ghi đè. LDT nay quen thuộc hơn với cái tên blockchain và nổi tiếng vì vai trò của nó trong các loại tiền ảo như Bitcoin, Ethereum. 

Tại Estonia, LDT cho công dân quyền kiểm soát dữ liệu của riêng họ tốt hơn. Lấy Sổ chăm sóc sức khỏe làm ví dụ. Ít người trên thế giới biết chính xác hồ sơ y tế của họ được lưu tại đâu và ai đang xem chúng. Song, tại Estonia, người dân có thể truy cập hồ sơ bằng định danh điện tử và xem chính xác ai đã làm gì với nó và vào lúc nào. Bất kỳ quan chức chính phủ nào truy cập dữ liệu người dân mà không có lý do chính đáng đều có nguy cơ bị đưa ra pháp luật và truy tố.

Chính phủ giải phóng tiềm năng của blockchain

Chính phủ các nước đang tăng cường sử dụng blockchain với mục tiêu trao quyền nhiều hơn cho người dân. Thực tế, blockchain có năng lực chuyển đổi gần như mọi mặt đời sống: nâng cao tính dân chủ và mang đến cơ hội tốt hơn. Song, nó chỉ làm được điều đó với sự ủng hộ và cộng tác từ chính phủ.

Năm 2008, chính phủ Estonia bắt đầu thử nghiệm công nghệ blockchain để đối phó với tấn công mạng và giảm thiểu nguy cơ từ bên trong. Estonia cũng là nước đầu tiên triển khai công nghệ blockchain trong bộ máy chính quyền. Đó là vào năm 2012 với dịch vụ Đăng ký thừa kế thuộc Bộ Tư pháp. Các cơ quan đang tận dụng blockchain phải kể đến Bộ Truyền thông và Các vấn đề kinh tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Các vấn đề xã hội. Blockchain ứng dụng trong các dịch vụ đăng ký y tế, tài sản, kinh doanh, thừa kế, tòa án điện tử, hệ thống theo dõi thông tin, thông báo chính thức của nhà nước.

Estonia dùng blockchain để bảo đảm tính toàn vẹn của hệ thống và dữ liệu chính phủ. Điều đó có ý nghĩa như thế nào? Estonia lý giải, tin tưởng 100% vào dữ liệu chính phủ trong bất kỳ trường hợp nào là một trong những nền tảng của mọi quốc gia. Năng lực bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu giúp giảm nguy cơ nội bộ nhằm vào thao túng hay lạm dụng dữ liệu lưu trữ. Khả năng xác minh tính toàn vẹn của dữ liệu chính phủ độc lập với cơ sở dữ liệu chủ theo thời gian thực kích hoạt tính liên thông dữ liệu giữa các hệ thống và biên giới.

Cục Hệ thống thông tin Estonia (RIA) bảo đảm quyền truy cập vào mạng lưới blockchain của các cơ quan nhà nước thông qua hạ tầng X-Road. Các cơ quan nhà nước tự triển khai blockchain bằng SDK và công cụ xây dựng sẵn. Công nghệ blockchain mà Estonia đang dùng là KSI do Guardtime phát triển. Nó cũng đang được dùng bởi NATO, Bộ Quốc phòng, Lockheed Martin, Boeing…

KSI cung cấp khả năng xác thực nhanh chóng theo thời gian thực cho tất cả tài sản kỹ thuật số được kết nối trên thế giới. Tại Estonia, KSI dùng để xác minh độc lập tất cả quy trình chính phủ và bảo vệ dịch vụ công. Nói cách khác, khi triển khai KSI trong mạng chính phủ, không ai có thể viết lại lịch sử hay tính chân thực của dữ liệu điện tử có thể chứng minh bằng thuật toán. Nó đồng nghĩa, không một ai – dù là tin tặc hay quản trị viên hệ thống hay bản thân chính phủ - thao túng được dữ liệu hay đánh cắp nó. 

Người dùng các dịch vụ công hay dịch vụ tư nhân không nhìn thấy được blockchain vì chúng đóng vai trò nền tảng, song lợi ích thể hiện rõ qua tính bảo mật, bất biến và tiết kiệm được số giờ làm việc hàng năm lên tới 800 năm. Tất nhiên, khi quá nhiều dịch vụ công và tư nhân được lưu trên mạng, câu hỏi về niềm tin và an toàn luôn được đặt ra. Theo bà Kersti Kaljulaid, không có gì là an toàn tuyệt đối, song rất dễ chứng minh công nghệ số mang tính bảo mật tốt hơn hồ sơ truyền thống.

Định dạng kỹ thuật số mang đến quyền kiểm soát lớn hơn, người dân biết được không thể can thiệp vào dữ liệu công khai vì mọi hành động sẽ bị ghi lại bởi công nghệ dán nhãn thời gian của blockchain. Điều này tạo ra niềm tin giữa công dân, nhà nước và dịch vụ điện tử. Điều quan trọng hơn là dữ liệu cá nhân không thuộc về Nhà nước Estonia mà thuộc về chính người dân. Họ luôn có quyền được biết và kiểm soát điều gì sẽ xảy ra với dữ liệu.

Sớm thôi, việc ghé thăm một cơ quan công vụ để làm những việc như thay đổi hộ tịch sẽ trở thành quá khứ. Ví dụ của Estonia cho thấy khu vực công có thể thực hiện hiệu quả các tiến bộ công nghệ mà không cần mất hàng thập kỷ. Không quan trọng bạn là quốc gia lớn hay nhỏ, những gì bạn cần là thiện chí chính trị, niềm tin của người dân và quan hệ hòa hảo giữa khu vực công – tư để chuyển đổi số.

Con đường ấy không thể tránh khỏi. Mọi người sẽ đòi hỏi sự thuận tiện từ các lãnh đạo chính trị của họ giống như khi họ đòi hỏi giao hàng miễn phí hỏa tốc từ Amazon vậy.

Du Lam

Hội nghị Blockchain toàn cầu tổ chức tại Việt Nam vào tuần tới

Hội nghị Blockchain toàn cầu tổ chức tại Việt Nam vào tuần tới

Hội nghị Blockchain toàn cầu lần thứ 10 sẽ tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11 - 12/7. Việt Nam là nước đầu tiên ngoài Dubai được chọn để tổ chức sự kiện.