Tại Hội thảo "Kinh tế số: Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử đang là điểm sáng của cuộc CMCN 4.0 với tốc độ phát triển cao từ 20 - 30% mỗi năm. Năm 2018, giá trị thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng hơn 30% so với năm 2017 và sẽ tăng lên 33 tỷ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến cũng có sự tăng trưởng hàng năm, năm 2018 đạt mức gần 40 triệu người dân, trung bình hơn 2 người dân thì có 1 người mua hàng online.

"Tuy nhiên, thương mại điện tử Việt Nam cũng có những hạn chế nhất định như tỷ trọng B2C (Business to customer - hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp, công ty tới khách hàng- PV) còn thấp, chỉ khoảng 4 - 5% và đây là thách thức mà chúng ta phải vượt qua", ông Hải cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hải, mặc dù thương mại điện tử đang rất phát triển nhưng chỉ có 61% đơn vị có ứng dụng trên di động, đây là điều đáng tiếc khi việc mua bán qua ứng dụng ngày càng nhiều, nhất là khi có tới 72% dân số Việt Nam dùng smartphone. 

Ngoài ra, ông Hải cho rằng, thách thức lớn nhất của thương mại điện tử ở Việt Nam là giao dịch tiền mặt nhận hàng (COD) chiếm 88% tổng số giao dịch năm 2018, tăng 2% so với năm 2017. Điều này làm xói mòn lòng tin giữa người mua và người bán, người mua không tin tưởng chất lượng hàng hoá của người bán, đối với người bán hàng khi giao dịch COD thì khả năng từ chối nhận hàng cao. "Về lâu dài chúng ta phải giải quyết được bài toán này để tạo sức bật cho thương mại điện tử ở Việt Nam", ông Hải khẳng định. 

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thách thức lớn nhất của thương mại điện tử ở Việt Nam là giao dịch tiền mặt nhận hàng (COD) chiếm 88% tổng số giao dịch năm 2018.

Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy những trở ngại cho thương mại điện tử ở Việt Nam bao gồm sản phẩm kém chất lượng hơn so với quảng cáo (83%), chăm sóc khách hàng kém (47%), lo ngại thông tin bị tiết lộ (43%)... "Đây là những trở ngại mà các trang thương mại điện tử ở Việt Nam cần khắc phục, như nâng cao chất lượng hàng hoá hay hoàn thiện cơ sở pháp lý để người dân tin tưởng", ông Hải nói.

Về kế hoạch xây dựng chương trình tổng thể thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2021-2025, ông Hải khẳng định tập trung chính vào 3 nội dung bao gồm: thương mại điện tử mới tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM, phát triển độ phủ thương mại điện tử cần chú ý đến vùng sâu vùng xa, nhất là khi coi nó là yếu tố để xoá đói giảm nghèo cho người dân; cần cải thiện chất lượng thương mại điện tử từ hàng hoá, dịch vụ cho đến công nghệ để tạo lòng tin cho người dùng; phát triển hàng Việt chất lượng cao.

Cũng tại sự kiện, ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sự bùng nổ của các công nghệ số, kết nối toàn cầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ, trở thành một phương thức giao dịch quen thuộc và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tăng khả năng mở rộng thị trường, giảm chi phí tiếp thị, bán hàng và cung ứng, tăng cường mối liên hệ với khách hàng thông qua mạng Internet.

Đối với người tiêu dùng, thương mại điện tử giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ, giảm thiểu thời gian mua hàng và chi phí đi lại, tạo cơ hội mua được sản phẩm với giá bán thấp hơn, tiếp cận được nhiều thông tin hơn. 

Cuối cùng, với xã hội, thương mại điện tử kích thích phát triển công nghệ thông tin góp phần vào sự chuyển dịch, hội nhập nền kinh tế toàn cầu.

Trên cơ sở đó, có 4 xu hướng thương mại điện tử tại Việt Nam được dự đoán tiếp tục tăng trưởng và phát triển bao gồm số lượng người dùng ứng dụng di động gia tăng, cuộc cạnh tranh về giá, sự bùng nổ của thương mại qua mạng xã hội và thanh toán khi giao hàng vẫn là phương thức thanh toán phổ biến.

Ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, để phát huy  tiềm năng của thương mại điện tử cần có hệ thống chủ trương, giải pháp đồng bộ, toàn diện.

"Tuy tiềm năng là rất lớn nhưng để phát huy cần có hệ thống chủ trương, giải pháp đồng bộ, toàn diện, đặc biệt là ứng dụng được những thành tựu của cuộc CMCN 4.0", ông Thành kết luận. 
 

Hội thảo "Kinh tế số: Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam" là chuyên đề của "Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019"  tổ chức ngày 2/10/2019.

Hội thảo "Kinh tế số: Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam" là chuyên đề của "Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019" diễn ra vào ngày 2 - 3/10/2019 tại Hà Nội.

Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức với các mục đích chủ yếu: Công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc CMCN 4.0; Tạo cơ hội cho trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam; triển lãm, giới thiệu các thành tựu, giải pháp công nghệ của CMCN 4.0 cho các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam; kết nối kinh doanh và xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực của CMCN 4.0 giữa các nhà đầu tư quốc tế với cộng đồng doanh nghiệp và đại diện của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Sự kiện bao gồm những hoạt động: Phiên diễn đàn cấp cao do lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đồng chủ trì với quy mô khoảng 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế; 5 hội thảo chuyên đề; 1 triển lãm công nghệ hiện đại với sự tham gia khoảng 100 doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế; phiên kết nối đầu tư kinh doanh. Dự kiến, sẽ có trên 4.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đại sứ quán, các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự những sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn.