Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT tiền thân là cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT của Bộ GD&ĐT với sự hỗ trợ của Micrososft Việt Nam được tổ chức từ năm 2014. Cuộc thi đã thúc đẩy phong trào lựa chọn được nhiều gương mặt nhà giáo xuất sắc tham dự Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu của Microsoft được tổ chức vào tháng 3 hàng năm.

Diễn đàn nhằm thúc đẩy và phát huy tính đổi mới sáng tạo trong việc dạy và học trên nền tảng ứng dụng CNTT, đồng thời tăng cường nâng cao năng lực cho giáo viên, tạo ra cơ hội để các giáo viên công bố sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp trong ứng dụng CNTT của mình.

Diễn đàn Giáo dục Việt Nam – Đổi mới sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2020 (Education Exchange – gọi tắt là E2 Việt Nam) mới đây đã chọn ra được 50 sản phẩm xuất sắc lọt vào Vòng trưng bày tại Diễn đàn.

Các sản phẩm được chọn hầu hết đều có tính ứng dụng thực tiễn cao, có sự đầu tư từ các giáo viên, hướng đến mọi mặt học tập và cuộc sống của học sinh. ICTnews trích đăng 3 trong số 50 sản phẩm dự thi lần này, tương ứng với từng cấp từ tiểu học lên THPT.

Nâng cao kỹ năng lập trình và tự học cho học sinh tiểu học

Các khoá học giúp học sinh làm quen các khóa học lập trình trên trang code.org. Ảnh: Tác giả Triệu Mai Hương

Tác giả Triệu Mai Hương có ý định thành lập câu lạc bộ “lập trình nhí”, sử dụng lập trình VR, AR CoSpaces trong trường Tiểu học II Thị trấn Hữu Lũng (Lạng Sơn). 

Tác giả muốn đưa ý tưởng đưa lập trình thế giới ảo 3D Cospaces vào làm nội dung chính cho hoạt động của câu lạc bộ tin học tại trường Tiểu học II, Thị trấn Hữu Lũng. 

Sau khi hoàn thành khóa cơ bản, học sinh có thể sử dụng CoSpaces để tích hợp tạo ra các sản phẩm học tập sáng tạo cho các môn học khác. Để học sinh có thể tự tổng hợp kiến thức và dần phát triển năng lực tự học cho năm học này và các năm tiếp theo. 

Việc này giúp học sinh hứng thú học tập hơn, mong muốn đến trường. Yêu thích tin học, đam mê sẽ giúp các em tạo ra các game học tập tương tác bậc cao hơn.

Nâng cao kỹ năng an toàn cho học sinh trên mạng Internet

Dự án “Let’s be safe online” liên môn Tin-Anh văn-GDCD-Văn là dự án được thực hiện trong vòng 10 tuần với 4 nhóm chuyên gia của Trường THCS Phan Chu Trinh (Đắkmil, Đắk nông). 

Hình ảnh trong phim hoạt hình Không click vào link lạ của nhóm tác giả ở Trường THCS Phan Chu Trinh.

Dự án nhằm giúp học sinh có những kỹ năng cần thiết khi tham gia trên Internet, giảm tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng hiện nay hay việc bị bắt nạt trên mạng, tiếp xúc với tài liệu không phù hợp, kẻ săn mồi trực tuyến, tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân…

Quan trọng hơn, các em học sinh ở vùng nông thôn nơi nhóm tác giả thực hiện đề án đã trưởng thành hơn rất nhiều, biết cách làm việc và hợp tác nhóm tốt, có kỹ năng thuyết trình, phản biện, tự tin hơn trong giao tiếp, sáng tạo trong các sản phẩm mình làm ra. 

Đặc biệt, kỹ năng sử dụng các công cụ công nghệ thông tin của các em nâng tầm cao mới, các em có hứng thú hơn rất nhiều trong học tập. 

“Có em còn hỏi cô giáo: “Cô ơi, kì 2 tụi em có được học như thế này nữa không?” Tôi cảm thấy vui vì mình đã làm được điều gì đó có ích cho các em học sinh của mình”, cô giáo Võ Thị Trúc Mân - đại diện nhóm tác giả - chia sẻ.

Trang bị kỹ năng kỹ thuật số cho học sinh

Ảnh: Trần Văn Huy

Hack Micro:bit: là sản phẩm của tác giả Trần Văn Huy (Trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội), nhằm trang bị kỹ năng thế kỷ 21 cho học sinh trong quá trình thực hành kỹ thuật số. 

Học sinh được học kiến thức và thực hiện các bài toán cơ bản về Micro:bit. Sau đó, các em sẽ tập trung nghiên cứu vận dụng kiến thức ứng dụng vào các phép đo lường trong bộ môn Vật lý và các ứng dụng thực tiễn. 

Tác giả cho biết dự án đã thu được rất nhiều sản phẩm thú vị để triển khai trong đời sống (ví dụ như kết nối cảnh báo dữ liệu bằng Flow đến Email, trò chơi…), năng lực của học sinh phát triển vượt bậc.