{keywords}
Bộ Tài chính giao Cục quản lý, giám sát bảo hiểm chủ trì việc thực hiện giải pháp thúc đẩy hoạt động bảo hiểm rủi ro cho chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kế hoạch nhằm quán triệt sâu sắc, toàn diện tầm nhìn định hướng, mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Đồng thời, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động trong toàn ngành Tài chính, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia tại Bộ Tài chính.

Trong kế hoạch mới ban hành, Bộ Tài chính đã cụ thể hóa các nhiệm vụ Bộ này được phân công trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, 2 nhóm nhiệm vụ chủ yếu Bộ chủ trì thực hiện là: chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, lan truyền từ điểm tới diện, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng, bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao; kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh.

Cụ thể, để tạo chuyển đổi nhận thức, Bộ Tài chính sẽ tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số.

Đồng thời, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

Đối với nhiệm vụ kiến tạo thể chế, một trong những giải pháp sẽ được Bộ Tài chính triển khai là nghiên cứu chính sách, quy định cụ thể về thuế, phí để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững; triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán; thúc đẩy hoạt động bảo hiểm rủi ro cho chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng và giao dịch trên không gian mạng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng tiếp tục triển khai Quyết định 843/2020 về việc ban hành kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết 50/2020 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Bộ Tài chính là đơn vị phối hợp thực hiện, kế hoạch hành động mới được ban hành nêu rõ Bộ này sẽ bố trí kinh phí thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ.

Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công tại kế hoạch hành động.

Trường hợp cần thiết, Thủ trưởng các đơn vị xem xét, quyết định việc ban hành kế hoạch hành động của đơn vị để đảm bảo cụ thể hóa các nhiệm vụ thành những giải pháp, đề án, công việc, kết quả đầu ra và tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Trong 3 năm liên tiếp Bộ TT&TT thực hiện đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính luôn giữ vị trí dẫn đầu ở khối các bộ, cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, theo kết quả mới được Bộ TT&TT công bố, với việc đạt tổng điểm 0,9291, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí số 1 trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ được đánh giá năm 2019. Trong đó, Bộ Tài chính được đánh giá cao nhất ở các hạng mục: trang/cổng thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và nhân lực cho ứng dụng CNTT. 

Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 3/6/2020. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

M.T

Chuyện chuyển đổi số quốc gia nhìn từ sự phát triển Internet Việt Nam

Chuyện chuyển đổi số quốc gia nhìn từ sự phát triển Internet Việt Nam

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030. Ở vai trò dẫn dắt hành trình này, ngành TT&TT có thể chọn áp dụng các bài học mà thế hệ đặt nền móng cho Internet từng vận dụng.