Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ra Chỉ thị kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số và tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dịch Covid-19 lây lan là do tiếp xúc. Công nghệ số là không tiếp xúc. Covid-19 giúp chúng ta tư duy lại nhiều thứ. Nó là một điểm gẫy trong sự phát triển và nhiều giá trị, nhiều thói quen sẽ thay đổi. Vì vậy, cơ hội lớn nhất lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số, là tạo ra các ứng dụng công nghệ số, là đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số.

Chỉ thị phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số truyền tải đi thông điệp vượt qua các khó khăn hiện nay bằng việc ứng dụng các công nghệ mới vào mọi mặt đời sống để khởi tạo cuộc sống số, tạo ra các cơ hội mới thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Chỉ thị của Bộ TT&TT đặt ra 10 nhiệm vụ cần phải chuyển đổi số bao trùm lên toàn bộ các lĩnh vực: giáo dục, y tế, sản xuất, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt,…trong đó nêu ra nhiều nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu.

Cộng đồng công nghệ Việt chung tay chuyển đổi số, tạo động lực mới cho đất nước
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ra Chỉ thị kêu gọi cộng đồng công nghệ Việt chung tay chuyển đổi số, tạo động lực mới cho đất nước.

Ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành Chỉ thị phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số.

Theo chỉ thị này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số để tạo lập môi trường làm việc số để thiết lập, duy trì môi trường làm việc liên tục, mọi lúc, mọi nơi. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ phục vụ cho các cuộc họp, hội nghị trực tuyến; Văn phòng làm việc trực tuyến; Quản trị số và công cụ giao tiếp số.

Bên cạnh đó, phải phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số để cung cấp thông tin y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân; theo dõi, cung cấp thông tin về tình hình y tế cộng đồng, y tế cơ sở, theo dõi, giám sát sự lây lan, cảnh báo các vùng, cộng đồng có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chỉ thị nhấn mạnh, trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ nhằm hỗ trợ Chính phủ, toàn dân phòng, chống dịch Covid-19, tư vấn sức khỏe cho người dân, cộng đồng, giải pháp y tế từ xa để giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ TT&TT còn chỉ đạo phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số phục vụ nhu cầu học tập. Trong đó, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ lớp học thông minh; Học tập trực tuyến; Thư viện, kho học liệu số và các giải pháp đổi mới như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thúc đẩy sáng tạo, tăng tính sinh động trong giảng dạy, học tập.

"Phải phát triển hệ thống tiện ích số phục vụ nhu cầu sinh hoạt và giải trí của người dân nhằm duy trì hoạt động của các cơ sở cung ứng dịch vụ thiết yếu cho người dân cũng như hỗ trợ nhu cầu giải trí, tìm hiểu văn hóa trên môi trường mạng. Trong đó ưu tiên các dịch vụ mua sắm trực tuyến, quản lý nhà thông minh; Dịch vụ sửa chữa thiết bị gia dụng, thông tin tình trạng giao thông, cảnh báo nguy cơ…" Chỉ thị này nêu rõ.

Chỉ thị cũng đề cập đến vấn đề vận động phát triển các nền tảng hỗ trợ giao vận hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch thương mại điện tử.

Trong lĩnh vực sản xuất, phát triển các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ nhà máy thông minh giúp chuyển đổi từ hệ thống sản xuất tự động hoá truyền thống sang hệ thống sản xuất số. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ kiểm soát chất lượng, tự động hoá sản xuất thông qua việc kết hợp các công cụ như người máy, thiết bị bay không người lái và các cảm biến IoT.

Bộ TT&TT yêu cầu cần phải phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ số sử dụng phương tiện thanh toán trực tuyến, thanh toán qua tài khoản viễn thông di động, ngân hàng số để thúc đẩy thương mại điện tử, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, phát triển các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, các giao dịch điện tử, xử lý thông tin sai sự thật (fake news).

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nêu vấn đề phát triển cộng đồng hỗ trợ chuyển đổi số Việt Nam. Theo đó, tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để hình thành nên cộng đồng đông đảo thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi từ mô hình làm việc tại văn phòng truyền thống sang mô hình làm việc trên môi trường số, không tiếp xúc; nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ số cho người Việt; tạo ra các cơ hội việc làm mới nhờ vào công nghệ số.

Công tác tổ chức thực hiện được Bộ trưởng giao trách nhiệm cụ thể đến từng đơn vị chuyên trách của Bộ như: Cục Tin học hóa, Cục CNTT, Cục Viễn thông, Cục ATTT, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Thông tin cơ sở và các sở TT&TT địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng kêu gọi các doanh nghệ số Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi, xây dựng nền tảng công nghệ số và các giải pháp phục vụ cuộc sống thường ngày của người dân để hình thành cuộc sống số cho người Việt, tập trung phát triển 10 nhiệm vụ đã nêu ra.

Có chính sách hỗ trợ người sử dụng dịch vụ hợp lý để dễ dàng tiếp cận với công nghệ số và có tính trách nhiệm cao với cộng đồng như không thu hoặc chỉ thu một phần phí duy trì dịch vụ trong những tình huống khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh).

Các đơn vị, doanh nghiệp phải phải tiên phong thực hiện làm việc trên môi trường số, phỏng vấn, tuyển dụng trực tuyến, mở các vị trí tuyển dụng mới cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Bộ trưởng Bộ TT&TT kêu gọi toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam đồng lòng, chung tay, nhanh hơn nữa, sáng tạo hơn nữa thực hiện công cuộc chuyển đổi số, khởi tạo cuộc sống số, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.