Báo chí, truyền thông đã nhân lên sức mạnh Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh

Chiều ngày 18/3 tại Hà Nội, Tiểu ban Tuyên truyền - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã tổ chức phiên họp dưới dự chủ trì của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Tiểu ban Tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế; các thành viên Tiểu ban Tuyên truyền và đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí như Tuổi Trẻ, Thanh niên, zing, Vietnamplus, Tiền Phong, Lao động, Báo điện tử Chính phủ, Vietnamnet và các nhà mạng…

Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Phó trưởng Tiểu ban thường trực đã khái quát những nét nổi bật về công việc triển khai của Tiểu ban Tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Theo đó, dư luận xã hội đánh giá công tác tuyên truyền phòng chống dịch của Việt Nam và vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí là tích cực, phản ánh đa dạng, bằng nhiều thứ tiếng. Trong đó, nhiều báo lớn nước ngoài, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao về công tác chỉ đạo, tuyên truyền phòng chống dịch dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt, hiệu quả, tạo được niềm tin trong toàn xã hội.

Đặc biệt, nhiều cơ quan báo, chí tập trung tổng lực cho tin, bài về phòng chống dịch Covid-19; đã có nhiều tuyến bài, loạt bài viết phân tích chuyên sâu, khuyến cáo để người dân yên tâm, sống an toàn, cộng đồng đoàn kết, sẻ chia, tương thân tương ái cùng nhau đồng lòng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…

Các cơ quan báo chí, đặc biệt là truyền hình đã phát huy hiệu quả tuyên truyền rộng rãi, cập nhật đầy đủ diễn biến của dịch bệnh để người dân phòng tránh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh trong mùa dịch bệnh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã nhân lên sức mạnh tinh thần Việt Nam, nghị lực Việt Nam, sức mạnh Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh.

Mặt khác, một số cơ quan báo đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lại mô hình hoạt động của toà soạn dã chiến trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như báo Tuổi trẻ vừa đưa tin chống dịch, bảo vệ phóng viên tác nghiệp tại các điểm nóng về dịch bệnh. Một số báo đã phát động quyên góp ủng hộ bằng hiện vật, kinh phí cho đội ngũ y bác sĩ, các lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ và người nhiễm bệnh… Báo Lao động, Báo điện tử VTC News đưa ra sáng kiến ủng hộ các doanh nghiệp thông qua truyền thông mà ko tính phí…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Chính phủ rất coi trọng vai trò của truyền thông trong đợt dịch Covid-19. Cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây Thủ tướng đã rất khen ngợi sự vất vả của đội ngũ những người làm báo chí truyền thông đã góp phần lan tỏa tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam, sức mạnh Việt Nam trong mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Đặc biệt, tinh thần và ý thức người dân được nâng cao, đoàn kết, đồng lòng với Chính phủ chung tay chống “giặc Covid-19”.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Báo chí, Cục PTTH&TTĐT tập hợp các ý kiến đóng góp của các cơ quan có liên quan, các thành viên Tiểu ban Tuyên truyền và các cơ quan báo chí để sớm xem xét, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ TT&TT và kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét chỉ đạo.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành TT&TT có hai lực lượng báo chí và ICT. Báo chí sẵn sàng truyền thông cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn như đợt dịch Covid-19. Đồng thời, lĩnh vực ICT có thể hỗ trợ báo chí về công nghệ, về giải pháp để thúc đẩy báo chí phát triển trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ hội lớn nhất lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dịch Covid-19 lây lan là do tiếp xúc. Công nghệ số là không tiếp xúc. Covid-19 giúp chúng ta tư duy lại nhiều thứ, đây là dịp để thay đổi, suy nghĩ về cách làm mới. Vì vậy, cơ hội lớn nhất lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số, tạo ra các ứng dụng công nghệ số, đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số. Bộ trưởng nêu ví dụ về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Thời gian vừa qua, chỉ trong một tháng, chỉ số dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi, tức là 1 tháng bằng 20 năm. Bộ TT&TT đã ban hành văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và bảo đảm chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào cuối năm 2020, trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đều giữ tốc độ tăng trưởng gấp đôi.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà mạng cần hỗ trợ đường truyền, cước viễn thông tác nghiệp trong mùa dịch; Hỗ trợ ứng dụng CNTT cho nhà báo tác nghiệp trong mùa dịch. Nghiên cứu dịch các bài viết từ báo chí tiếng nước ngoài viết về kinh nghiệm phòng chống dịch, mô hình hay, thúc đẩy việc hỗ trợ cho báo chí…

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, tình hình dịch Covid-19 vẫn có chiều hướng rất khó lường. Do vậy, báo chí, truyền thông phải đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền đến toàn dân, để mỗi người dân trở thành pháo đài tự phòng chống dịch bệnh Covid-19, tạo niềm tin xã hội và ổn định xã hội…