Lời tòa soạn: Gìn giữ non sông, làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số (CNS) Việt Nam. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi gặp mặt một số doanh nghiệp CNS tiêu biểu ngày 16/1 vừa qua. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại sự kiện này. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi gặp mặt ngày 16/1. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thưa các đồng chí và các bạn,

Hôm nay là ngày mà Bộ TT&TT gặp mặt một số doanh nghiệp CNS tiêu biểu trong Ngành để nói lời cám ơn chân thành. Đây là lần đầu tiên và tôi mong rằng nó sẽ trở thành một hoạt động thường niên của Bộ. Nhà nước cám ơn doanh nghiệp vì chính doanh nghiệp tạo ra sự phát triển của đất nước, tạo ra nguồn thu cho nhà nước, từ đó mà nuôi sống bộ máy nhà nước, mà phát triển hạ tầng, mà xoá đói giảm nghèo. 

Thời chiến thì vinh danh quân đội, tướng lĩnh và người lính, thời bình thì vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động. Hôm nay là cám ơn, là vinh danh doanh nghiệp và doanh nhân. 

Chắc chỉ những ai đã từng khởi nghiệp, lập nghiệp rồi dựng nên một doanh nghiệp xuất sắc thì mới hiểu nỗi gian truân, nhọc nhằn, vất vả, rủi ro, hiểm nguy, hy sinh và mất mát của người đứng đầu doanh nghiệp. Nhưng cũng chỉ những ai đã từng dựng nên một doanh nghiệp thì mới cảm nhận hết niềm vui thành công, niềm vui cống hiến của doanh nhân. Người đứng đầu thì phải chịu nỗi cô đơn, và cũng vì thế mà là người đứng đầu. Số đã định như vậy rồi, Trời đã định như vậy rồi, chắc cũng không nên phàn nàn.

Thách thức, hiểm nguy, cô đơn đã tôi rèn nên những doanh nhân xuất sắc Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Nhưng lại chính những thách thức, hiểm nguy ấy, những sự cô đơn ấy đã rèn, đã tôi chúng ta thành những doanh nhân xuất sắc. Thuận lợi thường không tạo ra sự xuất sắc. Gian khổ thì có thể. Đã là doanh nhân thì không chọn sự dễ dàng. Vì dễ dàng tạo ra sự trung bình. Mà sự trung bình thì không tồn tại được trong cạnh tranh. Lão Tử nói: Vứt nó vào chỗ sống thì nó sẽ chết, vứt nó vào chỗ chết thì nó sẽ sống.

Việt Nam trong lịch sử từng là một nước nhược tiểu. Vì vậy mà thường xuyên bị xâm lăng. Gần 1.000 năm Bắc thuộc, gần 100 năm là thuộc địa của phương Tây, rồi nhiều cuộc chiến tranh, mỗi lần là hàng chục năm mới giành lại được đất nước, mới thống nhất được giang sơn. Và khi giành lại được thì đất nước cũng đã tan hoang. Lại dựng xây từ đầu để rồi 50-70 năm sau lại một cuộc xâm lăng mới và lịch sử lặp lại. Mấy nghìn năm nay là vậy, Việt Nam cứ lên rồi xuống, chưa bao giờ vượt lên thành cường quốc để không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm, để vì thế mà hoà bình lâu dài, để vì thế mà xây dựng và tích luỹ lâu dài thành nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc. 

Dây chuyền sản xuất tại Tổ hợp Công nghệ Công nghiệp Hòa Lạc của VNPTTechnology. Ảnh: Nhật Minh

Liệu chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh này không?

Các nước đang phát triển mà hoá rồng, hoá hổ thì thường là khi có một cuộc CMCN mới xảy ra. Cơ hội này đang đến, đó là cuộc CMCN lần thứ tư, mà chủ yếu của nó là các công nghệ số thế hệ mới. Nhưng chúng ta phải nhớ, cơ hội không đến với tất cả, nó chỉ đến với số ít, mỗi cuộc CMCN cũng chỉ vài nước hoá rồng, đó là những nước nắm bắt được cơ hội và dũng cảm, tiên phong đi đầu. 

Ai là người tạo nên điều này? Là doanh nhân, doanh nghiệp. Những doanh nhân, doanh nghiệp xuất sắc. Lúc này, 10 năm tới, chính là các doanh nghiệp CNS. Vậy là, thế hệ chúng ta được Trời Đất, Cha ông, lịch sử trao cho sứ mệnh dùng CNS để làm cho Việt Nam hoá rồng, hoá hổ, để kết thúc vận mệnh bao nghìn năm nay là một quốc gia, một đất nước nhược tiểu. Không làm được việc này là có tội với lịch sử, có tội với con cháu. Không làm được việc này là Việt Nam lại phải đợi 50 năm nữa, 100 năm nữa, hoặc lâu hơn, hoặc mãi mãi.

Hãy nhìn Viettel làm được chiếc “nỏ thần”, làm được thiết bị mạng 5G, đi ra nước ngoài với doanh thu trên 3 tỷ USD; VinGroup làm được ô tô xuất sang Mỹ; FPT đi làm công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) cho các nước đã phát triển như Nhật, Mỹ và có doanh thu trên 1 tỷ USD; Zalo là một ứng dụng Việt Nam có số tài khoản còn trên cả Facebook tại Việt Nam. Những doanh nghiệp này, những doanh nhân này gây cảm hứng, tạo niềm tin cho chúng ta là “có thể làm được”. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp CNS Việt Nam làm được thì chắc chắn Việt Nam sẽ hoá rồng.

Hoá rồng, hoá hổ thì phải có dẫn dắt quốc gia. Chúng ta có thuận lợi là một Đảng lãnh đạo. Một Đảng lãnh đạo thì có thể huy động và tập trung được mọi nguồn lực của xã hội, của đất nước để thực hiện việc lớn lao, vĩ đại: Việt Nam hoá rồng thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu này.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Hôm nay, tôi cảm ơn các doanh nghiệp CNS Việt Nam, năm 2022 đã tạo ra sự phát triển có tính bước ngoặt, nhất là về Make in Vietnam và đi ra nước ngoài. Nhưng tôi cũng muốn nói với các bạn một vài điều.

Doanh nghiệp thì kinh doanh phải có lợi nhuận để tồn tại và phát triển. Nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Không lẽ lại tiếp tục là lợi nhuận? Sau lợi nhuận phải là sứ mệnh giải quyết một bài toán, một nỗi đau của đất nước, của nhân loại, để đất nước cường thịnh, để nhân loại hạnh phúc hơn. Và cũng vì giải bài toán lớn, nỗi đau lớn mà doanh thu, lợi nhuận cũng sẽ lớn hơn. Bởi vậy mà các doanh nghiệp xuất sắc, các doanh nghiệp lớn thường nhận lấy một sứ mệnh quốc gia làm thành sứ mệnh của mình để dẫn dắt doanh nghiệp đi xa hơn nữa, gắn mình với quốc gia hơn nữa. Quốc gia, dân tộc thì trường tồn. Doanh nghiệp mà gắn mình với nó thì cũng vì vậy mà trường tồn.

Doanh nghiệp muốn lớn hơn và bền vững thì chỉ còn một cách duy nhất là thượng tôn pháp luật Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Doanh nghiệp mà lớn thì nhiều người sẽ nhìn thấy, thành công thì cũng có nhiều giám sát hơn. Bởi vậy, doanh nghiệp muốn to ra nữa một cách bền vững thì chỉ còn một cách duy nhất là thượng tôn pháp luật. Pháp luật cũng có những kẽ hở, nhưng đã là doanh nghiệp lớn thì hãy lớn lên bằng cách tạo ra giá trị thay vì tận dụng kẽ hở của pháp luật. 

Thưa các đồng chí và các bạn, tôi xin nói một chút về tương lai của Ngành chúng ta.

Nhận thức mới của chúng ta về công nghệ số. Công nghệ thông tin là ngành công nghiệp về xử lý thông tin, là cái có ngữ nghĩa. Cái có ngữ nghĩa thì không nhiều và xử lý nó cũng không sinh ra nhiều giá trị mới. Công nghệ số là ngành công nghiệp về xử lý dữ liệu số, bao gồm chủ yếu là những cái không có ngữ nghĩa. Cái không có ngữ nghĩa thì vô hạn, nó lớn hơn hàng triệu lần so với thông tin, cứ mỗi 2 ngày thì dữ liệu sinh ra tương đương với thông tin của 2.000 năm trước đó. Lần đầu tiên, công nghệ đã có thể số hoá được hầu hết thế giới thực, tạo ra vô hạn dữ liệu số và có khả năng truyền đưa, lưu trữ, xử lý được dữ liệu lớn. Công nghệ số xử lý được cái không có ngữ nghĩa để sinh ra tri thức mới, giá trị mới và tạo ra sự phát triển. Xử lý được dữ liệu số vô hạn và vô nghĩa để sinh ra giá trị mới thì giá trị mới cũng vì vậy mà sẽ là vô hạn. Đây thực sự là sự phát triển mới của nhân loại.

Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII của Đảng ta, tháng 10 năm 2022, đã chính thức coi CĐS là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình CNH, HĐH đất nước; CNH chính là CĐS lĩnh vực chế tạo và sản xuất; HĐH là CĐS tất cả các lĩnh vực, bao gồm kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường; công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng. Công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo, sẽ thâm nhập vào mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi tổ chức và mọi việc. Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá là khi máy móc thay lao động chân tay, còn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với công nghệ cơ bản của nó là công nghệ số thì máy móc bắt đầu thay lao động trí óc, nó giúp cho mọi tổ chức thông minh hơn. Đây là cuộc cách mạng về thông minh hoá.

Ông Phạm Thái Sơn, Tổng giám đốc công ty NTQ Solution phát biểu tại buổi gặp gỡ

10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số; từ CNTT sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang CĐS; từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý dữ liệu số vô hạn để sinh ra giá trị mới; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công, lắp ráp sang Make in Vietnam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; từ báo chí sang truyền thông số; công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản, đổi mới số trở thành động lực cơ bản cho sự phát triển.

Bây giờ là về năm Quý Mão 2023.

Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu; là xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn quốc gia; là xử lý dữ liệu số để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu số để tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu số và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.

Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Năm 2023 là năm thực hiện các chiến lược đã được ban hành. Bộ TT&TT sẽ ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược. Từ trước đến nay, chúng ta thường thiếu những việc này, không hướng dẫn, không đo lường, và vì vậy, mà gọi là chiến lược “ngăn kéo”. Tức là chiến lược làm ra và để trong ngăn kéo.

Năm 2023, sau 3 năm Covid, các hoạt động hợp tác quốc tế bị cầm chừng, Bộ TT&TT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Mang tri thức, công nghệ số của Việt Nam đi mở cõi. Nhà nước mở đường, rồi người đi trước kéo người đi sau. Để thế giới biết đến Việt Nam thì không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến. 

Thưa các đồng chí và các bạn,

Đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường thịnh vượng chính là khát vọng và công nghệ. Báo chí, xuất bản và truyền thông thổi khát vọng “hoá rồng, hoá hổ” ngấm vào từng người Việt Nam. Công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số tạo nên chiếc cánh công nghệ Việt Nam. 

Chúc mừng Năm mới tất cả các đồng chí và các bạn! 

Doanh nghiệp Việt Nam thi không chỉ làm ra sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn phải làm ra vũ khí bảo vệ Việt Nam Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã thành danh thì hãy thượng tôn pháp luật, hãy nhận lấy sứ mệnh giúp Việt Nam hoá rồng, hoá hổ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, hãy gắn sứ mệnh của mình với sứ mệnh quốc gia, hãy gắn vận mệnh của mình với vận mệnh quốc gia. Gìn giữ non sông, làm rạng danh non sông là sứ mệnh mới của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp CNS Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam thì không chỉ làm ra sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn phải làm ra vũ khí bảo vệ Việt Nam.

Năm mới, nhận thức mới tạo ra năng lượng mới, nghĩ ra không gian mới, nghĩ ra nguồn lực mới, làm việc tạo ra kết quả thiết thực, vì thế mà thấy hạnh phúc, gia đình nhỏ, gia đình to đầm ấm!

Khát vọng Việt Nam tạo ra Việt Nam!

Xin trân trọng cảm ơn!

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng