Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Kính thưa các đồng chí Chủ trì Hội nghị

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Địa phương

Kính thưa các đồng chí tham dự Hội nghị

Tôi xin phép phát biểu một số ý sau.

Thứ nhất, vùng Đông Nam Bộ muốn tiếp tục đi đầu thì phải đi đầu về cái mới. Muốn đi đầu về cái mới, phải xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và hiện đại hoá các hạ tầng hiện tại.

Một trong những hạ tầng quan trọng nhất cho cái mới chính là hạ tầng số. Hạ tầng số là hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số và các nền tảng số. Vùng Đông Nam Bộ phải xây dựng hạ tầng số hiện đại, thuộc nhóm đầu các nước trong khu vực, coi hạ tầng số cũng quan trọng như hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất. Hạ tầng số là dòng chảy dữ liệu.

TP.HCM: Trung tâm của vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: Chí Hùng

Hiện đại hoá các cơ sở hạ tầng khác về kinh tế, xã hội và môi trường bằng cách thông minh hoá chúng thông qua ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số. Thông minh hoá là để sử dụng các cơ sở hạ tầng này hiệu quả hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là cuộc cách mạng về thông minh hoá. Vùng Đông Nam Bộ mà không xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, không hiện đại hoá, thông minh hoá các hạ tầng hiện có, sẽ rất khó để tăng trưởng tiếp, không thể tăng trưởng cao được, nhất là không thể tăng trưởng được ở những lĩnh vực mới, thí dụ như kinh tế số.

Để có hạ tầng mới, nhân lực vào loại tốt nhất cả nước, nhà nước phải cho vùng một thể chế để những cái mới, kể cả công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, cơ chế mới, chính sách mới cho thử ở đây trước, phát triển ở đây trước để từ đây đi ra cả nước. Điều này là rất phù hợp với người ở đây, vốn năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới và có tinh thần mở mang không gian mới. Với một môi trường như vậy, vùng Đông Nam Bộ còn là nơi thử thách để đào tạo ra những nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, về xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn. Để phát triển vùng thành trung tâm khu vực về tài chính, thương mại, dịch vụ và giao lưu quốc tế, phải xây dựng nó thành trung tâm dữ liệu của khu vực, vì dữ liệu là nền tảng của hầu hết những thứ khác, đặc biệt là tài chính và thương mại. Mỗi ngày, thế giới sinh ra khoảng 2,5 triệu terabyte dữ liệu, lớn gấp 100 lần trung tâm dữ liệu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Tức là mỗi ngày, thế giới phải xây dựng 100 trung tâm như vậy. Trung tâm dữ liệu lớn nhất của Việt Nam hiện nay cũng chỉ bằng 1/10 một trung tâm dữ liệu loại lớn của thế giới. Vùng phải xây dựng nhiều trung tâm dữ liệu hơn nữa và lớn hơn nữa, thông qua việc tạo điều kiện về mặt bằng và nguồn điện cho các nhà đầu tư.

Thứ ba, muốn làm cái mới, phải mạnh dạn từ bỏ cái cũ. Vùng Đông Nam Bộ bây giờ mà tăng trưởng cao hơn trung bình cả nước về những cái truyền thống thì sẽ là rất khó, vì đã bắt đầu đạt mức tới hạn rồi. Nhưng tăng trưởng về những cái mới, thí dụ như kinh tế số, cao hơn trung bình cả nước, lại không khó. Tăng trưởng về những cái truyền thống thì là cạnh tranh với các tỉnh lân cận, còn tăng trưởng về những cái mới sẽ là động lực thúc đẩy các tỉnh khác. Vùng phải dám mạnh dạn từ chối những cái truyền thống, những cái mà giá trị gia tăng không cao, nhường những cái này cho các tỉnh khác. Nếu vùng không có chủ trương mạnh mẽ, dứt khoát về vấn đề này, sẽ vẫn tiếp tục thu hút những cái truyền thống, thí dụ như lắp ráp, gia công, sẽ không đi theo hướng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, năng suất lao động cao. Vì khi có hai việc để làm, con người có xu thế sẽ chọn một việc dễ hơn để làm.

Thứ tư, vùng Đông Nam Bộ nên chọn chuyển đổi số là động lực phát triển, là một phương thức phát triển mới. Nếu vùng phải chọn một cái làm trung tâm, làm hạt nhân xuyên suốt trong giai đoạn tới 2030, nên chọn chuyển đổi số (CĐS). Vì một số lý do sau:

Phát triển nhanh thì cần không gian mới. CĐS tạo ra không gian mới là không gian số.

Phát triển nhanh thì cần tài nguyên mới. CĐS tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu.

Phát triển bền vững, phải dựa vào đổi mới sáng tạo (ĐMST). Trên 80% các ĐMST, trên 80% các kỳ lân công nghệ là trên môi trường số, là sử dụng các công nghệ số. ĐMST bây giờ chủ yếu là CĐS.

Phát triển bền vững cần hiệu quả cao. CĐS thì tạo ra 3 xu thế lớn là phi trung gian hoá, phi tập trung hoá và phi vật chất hoá, và đó đều là các xu thế làm cho nền kinh tế có sức chống chịu hơn, hiệu quả hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Vùng Đông Nam Bộ mà đi đầu cả nước về CĐS thì vừa là tạo ra động lực mới cho phát triển của vùng, vừa là dẫn dắt và thúc đẩy CĐS quốc gia, và chính CĐS quốc gia sẽ lại là thị trường lớn, là cơ hội lớn cho sự phát triển của Vùng.

Thứ năm, vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm cung cấp nhân lực số cho toàn quốc và toàn cầu. Vùng muốn trở thành trung tâm của bất kỳ cái gì, đầu tiên phải là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực. Muốn thu hút đầu tư công nghệ cao, cũng phải sẵn có nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu nhân lực lớn nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu là nhân lực số, và đang thiếu trầm trọng. 

Việt Nam muốn có đủ nhân lực số thì từ nay đến 2030, mỗi năm phải đào tạo được 300.000 - 350.000 nhân lực số, trong khi hiện tại mỗi năm mới đào tạo được 70.000 - 80.000, đáp ứng được 1/4 nhu cầu. Vùng mà nhanh chóng tạo ra các đại học số cho lĩnh vực nhân lực số, sẽ trở thành cái nôi nhân lực số cho cả nước và toàn cầu. Chính cái nôi này sẽ làm cho vùng trở thành trung tâm công nghệ, trung tâm ĐMST, trung tâm CĐS và từ đó tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, đi đầu. Đại học số là lời giải cho nhân lực số Việt Nam.

Xin kính chúc sức khoẻ đồng chí Tổng Bí thư và tất cả các đồng chí!

Xin trân trọng cảm ơn!

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng